Đại sứ Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria, Iraq, Nguyễn Hồng Thạch, đã trò chuyện với phóng viên về phóng sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến do nhà báo Lê Bình thực hiện.
Ông vừa chia sẻ khá bức xúc trên trang cá nhân về phóng sự Syria của nhà báo Lê Bình. Nguyên nhân khiến ông chia sẻ status này là gì thưa ông?
Tôi là người có liên quan với tư cách là Đại sứ Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria, nên cần có tiếng nói để cho dư luận hiểu. Tranh cãi nhiều về việc vai trò của ĐSQ và Lãnh sự danh dự của Việt Nam là những gì trong quan hệ với Syria, liệu có cần có tiếng nói của ĐSQ trong vấn đề liên hệ với Văn phòng Tổng thống Syria để xin phỏng vấn hay không… là những câu hỏi liên quan đến cá nhân tôi nên tôi cần có tiếng nói để dư luận rõ.
Nhưng quan trọng nhất là tôi thấy cần có tiếng nói để đóng vấn đề lại. Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, nhiều vấn đề mà tài năng nên tập trung vào đó chứ không phải tập trung vào những câu chuyện như vậy. Đành rằng việc trao đổi đánh giá về một ký sự gây xôn xao cũng là việc làm cần thiết nhưng cũng đã đến điểm để dừng.
Dựa trên những yếu tố nào ông cho rằng đây là một sản phẩm báo chí kém trong khi VTV vừa khen thưởng phóng sự này?
VTV có thể khen ký sự này tôi thấy cũng dễ hiểu và thông cảm. Lãnh đạo VTV cần biểu dương tinh thần dám làm của phóng viên, đặc biệt dám vào nơi gian khổ để thực hiện công việc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa đây là tác phẩm hay.
Tôi cũng đã nhiều năm làm báo. Đối với tôi, tác phẩm báo chí phải có thông tin. Tôi cũng có xem một đoạn của ký sự và nhận thấy ký sự không có thông tin, nhiều biểu cảm quá. Một ký sự hay, có thông tin, theo tôi cần phải dẫn người xem thấy những thực tế cuộc sống mà chỉ đến đấy mới thấy được chứ không phải để nghe những biểu cảm của phóng viên.
Rất nhiều ý kiến cho rằng phóng sự của chị Lê Bình chưa lột tả được bản chất của cuộc chiến. Với tư cách là Đại sứ Việt nam tại Syria, ông có thể giúp độc giả hiểu rõ hơn về điều này?
Cá nhân tôi không xem hết ký sự nên không đánh giá về ký sự này nhưng khi người ta nói cuộc chiến ở Syria thì nói đến cuộc nội chiến giữa chính phủ và phe nổi dậy, chứ không nói nhiều đến cuộc chiến với IS. Sau các vụ biểu tình chống chính phủ từ mùa Xuân Ả Rập, nhiều nhóm chống đối chính phủ tiến hành đấu tranh vũ trang chống lại chính phủ và được nhiều nước và lực lượng bên ngoài hỗ trợ. Nhiều nước yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức như là điều kiện cho đàm phán. Bản thân phe nổi dậy cũng gồm rất nhiều lực lượng trong đó có lực lượng bị nước này nước kia cho là khủng bố, còn một số nước khác chỉ cho là đấy là lực lượng chống chính phủ. Chính phủ Syria kiên quyết chỉ đàm phán với đối lập chứ không đàm phán với khủng bố.
Nhưng xác định ai là khủng bố, ai là chống chính phủ không đơn giản. Quan điểm các bên chủ chốt như Syria, Nga, Mỹ và Ả-rập Xê út là rất khác nhau về các lực lượng này. Cho đến nay câu trả lời tuyệt đối là chưa có. Nói như vậy để thấy cuộc chiến ở Syria rất phức tạp chứ không đơn giản, càng không phải là giữa chính phủ với IS.
Ông là một nhà ngoại giao, nhưng cũng từng là nhà báo, ông có lời khuyên gì cho phóng viên, đặc biệt phóng viên muốn ra vùng chiến sự tác nghiệp?
Tôi đã từng nhiều năm làm báo và yêu nghề báo, nghề có ích mang lại nhiều thông tin, kiến thức cho cộng đồng, cho xã hội, gợi mở các vấn đề của cộng đồng của xã hội để giải quyết. Tôi cũng rất muốn chuyện trò với các phóng viên trẻ. Tôi thấy nhiều nhà báo làm được những việc lớn như vụ quán Xin chào vừa rồi ở TP. Hồ Chí Minh. Nhưng có một điều phóng viên trẻ hay quên mình chỉ là phóng viên mình không là quan toà, mình càng không phải là chuyên gia, nên nếu các bạn ‘’phán’’ thì dễ sai lắm. Đấy không phải là việc của phóng viên. Hãy đưa tin thôi đừng phán.
Còn đối với phóng viên ra chiến trường cần phải chuẩn bị rất kỹ. Đấy là chiến tranh giữa cái sống và cái chết, phải rất cẩn thận. Cái này tôi không dám nói nhiều vì bản thân chưa từng trải. Có 2 khía cạnh liên quan tôi muốn nhấn mạnh: ĐSQVN ở Iran kiêm nhiệm Syria có trách nhiệm lãnh sự đối với công dân Việt Nam đến Syria nên rất cần liên lạc với ĐSQVN tại Iran. Thứ hai, chiến tranh là sự nối dài của chính trị, phải rất hiểu chính trị để làm phóng sự chiến tranh. Cuộc chiến ở Syria là cực kỳ phực tạp lại càng cần có sự chuẩn bị chu đáo khi đến đấy.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
No comments:
Post a Comment