Ai cũng vậy, khi có vấn đề về sức khỏe thì thường vào bệnh viện (BV). Nhiều người cứ nghĩ đã vào BV là vô trùng, an toàn mà không biết rằng đây cũng là môi trường đầy những mầm bệnh nguy hiểm
50 loại nhiễm khuẩn rình rập
Mới đây, anh Trần Quang T. (ngụ tỉnh Đồng Nai) đã phải tìm đến các bác sĩ giỏi tại một BV phụ sản lớn nhờ cứu giúp vợ mình. Vợ anh, chị Đ., sau khi sinh mổ tại một BV tư nhân thì tình trạng sức khỏe ngày càng xấu. Các bác sĩ xác định vết mổ bắt con của chị đã bị nhiễm trùng, chảy mủ. Chị Đ. là một trong những nạn nhân của tình trạng nhiễm khuẩn ở BV.
Trước đây, đại dịch sởi năm 2014 ở nước ta khiến hơn 100 trẻ tử vong có nguyên nhân cơ bản là tình trạng bệnh nhi bị lây chéo các bệnh khác khi đang điều trị tại BV. Nguyên nhân là do quá tải trầm trọng và công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của cơ sở y tế chưa tốt.
Các chuyên gia cảnh báo tình trạng nhiễm trùng vết mổ do môi trường BV nhiễm khuẩn là vấn đề báo động hiện nay. Theo Bộ Y tế, nhiễm khuẩn BV dẫn đến nhiều hệ lụy cả về sức khỏe và kinh tế. Tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, tình trạng này có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn, trong đó một phần do BV quá tải nghiêm trọng. BV càng ở tuyến trên, tỉ lệ nhiễm khuẩn càng cao. Chẳng hạn tại BV Chợ Rẫy (TP HCM), tình trạng nhiễm trùng vết mổ có nguyên nhân do nhiễm khuẩn BV thường gặp nhất là viêm phổi (chiếm 45%), kế đến là nhiễm khuẩn vết mổ (21%), nhiễm trùng đường tiểu (13%), nhiễm trùng da (11%), nhiễm trùng huyết (10%).
TS-BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP HCM, cho biết có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn khác nhau có thể xảy ra tại BV. Trong đó, phổ biến nhất là viêm phổi, nhiễm khuẩn vết mổ, tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn vết phỏng...
Nằm viện lâu ngày là nguyên nhân gây ra tình trạng “bệnh chồng bệnh”
Thêm gánh nặng cho người bệnh
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong môi trường BV, trên mỗi cm² bàn tay có thể chứa tới 4,6 triệu vi khuẩn. Một trong những nguyên nhân khiến nhiễm khuẩn BV tăng là do tình trạng lây lan bệnh từ bàn tay nhân viên y tế. Bàn tay của nhân viên y tế thường nhiễm nhiều loại vi khuẩn gây bệnh và là phương tiện trung gian lan truyền nhiễm khuẩn BV.
Nguy cơ lây nhiễm tăng lên gấp nhiều lần khi các nhân viên này tiếp xúc với những chất bài tiết, dịch, máu của người bệnh. Tuy vậy, tỉ lệ tuân thủ quy trình rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh tại các BV chỉ mới đạt khoảng 60%.
Theo TS-BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn
TP HCM, trong môi trường BV hiện vẫn còn không ít bộ phận nhân viên y tế chưa ý thức đầy đủ việc rửa tay phòng ngừa nhiễm khuẩn. “Vệ sinh tay được xem là “thuốc kháng sinh” hiệu quả nhất để chống nhiễm khuẩn chéo trong BV, giảm nhiễm trùng cho người bệnh trong quá trình chăm sóc y tế nhưng nhiều bác sĩ vẫn chưa chú trọng” - bác sĩ Hà lo ngại.
Giới chuyên môn cảnh báo nhiễm khuẩn BV đang là gánh nặng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và những người gánh chịu hậu quả chính là bệnh nhân. Không chỉ mắc thêm bệnh, gặp nhiều biến chứng, thời gian điều trị dài hơn, bệnh nhân còn đối mặt nguy cơ gia tăng tình trạng đa kháng thuốc, tăng chi phí y tế và tỉ lệ tử vong cao hơn. Vì vậy, chính đội ngũ nhân viên y tế ngoài việc cứu người còn phải đề cao ý thức phòng chống nhiễm khuẩn BV và lãnh đạo các BV cần giám sát vấn đề này.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuân, đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết cứ 100 bệnh nhân nằm viện thì ít nhất 10 người bị nhiễm khuẩn BV. Trong chiến lược phòng chống dịch bệnh mới, giải quyết vấn đề nhiễm khuẩn BV là nền tảng để đạt được chất lượng khám chữa bệnh. “Khi dịch bệnh xảy ra thì không thể lường trước sự lây lan của vi khuẩn. Thực hiện phòng chống nhiễm khuẩn không chỉ phục vụ cho BV mà còn vì sự an toàn của cả cộng đồng” - bác sĩ Tuân nhấn mạnh.
“Ớn lạnh” với không khí trong BV Theo bác sĩ Hoàng Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, qua nghiên cứu trên 9.345 bệnh nhân của 10 BV thuộc bộ cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn BV là 5,8%. Tại TP HCM, khảo sát của Sở Y tế ở tất cả BV công lập trực thuộc đã xác định tỉ lệ nhiễm khuẩn BV là 6,4%. Nghiên cứu của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM về 33 mẫu không khí thu thập tại 13 BV trên địa bàn TP đã ghi nhận 26 mẫu có lượng vi sinh cao hơn mức quy định khoảng 6 lần, hàm lượng vi sinh vật có trong không khí không đạt tiêu chuẩn là gần 80%... |
No comments:
Post a Comment