Theo bà Helen McGuire, Giám đốc Chương trình Bệnh không lây nhiễm của PATH, THA là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch, là nguyên nhân của hơn 90.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam. Hơn 80% ca tử vong xảy ra liên quan đến các biến chứng của THA. Nghiên cứu cũng chỉ ra ở nước ta, khoảng 25% người trong độ tuổi trưởng thành mắc bệnh THA nhưng có đến hơn 50% trong số này lại không biết mình mắc bệnh! Trong quá trình điều trị, chỉ khoảng 11% đáp ứng mục tiêu. Đây là một trong những căn nguyên khiến số người tử vong do mắc bệnh THA ngày càng tăng.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết qua điều tra ở 30 phường - xã thuộc 8 quận - huyện trên địa bàn TP từ năm 2013 đến 2015, tỉ lệ người trưởng thành mắc bệnh THA chiếm khoảng 25%. Đáng báo động, “kẻ giết người” này đang nhắm vào trường học - nơi lâu nay người ta vẫn nghĩ là môi trường “khỏe, xanh, sạch, đẹp”. Bệnh đã xuất hiện khá nhiều ở những người chưa trưởng thành, tập trung chủ yếu ở cácem học sinh, trong đó THPT là 17%, THCS 15% và tiểu học 13% .
Các chuyên gia cho rằng sở dĩ tình trạng người dân mắc THA cao là dongành y tế chưa tăng cường đúng mức về truyền thông để họ hiểu đúng và biết cách phòng tránh căn bệnh mạn tính này. Nhiều người khi gặp tai biến do tim mạch mới biết mình bị THA.
Dự án “Cộng đồng vì trái tim khỏe” nhằmchăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng quản lý và kiểm soát bệnh THA là một hoạt động hết sức cần thiết. Nó mở ra một lộ trình, trong đó bệnh nhân được tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ tầm soát, phát hiện, theo dõi và quản lý THA tại cộng đồng nơi họ sinh sống, tiến đến xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe bền vững nhằm giảm bớt gánh nặng xã hội của THA. Để triển khai dự án này, trước mắt, TP HCM thực hiện thí điểm tại các quận 8, 12, Thủ Đức và Gò Vấp với tổng số dân khoảng 2 triệu người.
No comments:
Post a Comment