Sunday, May 29, 2016

TS Đặng Hoàng Giang: Mỹ Linh không phải theo một đám đông ra lệnh

TS Đặng Hoàng Giang cho rằng, ca sĩ Mỹ Linh hát không phải theo một đám đông nào đó ra lệnh.

Xung quanh những tranh cãi trên mạng xã hội liên quan tới việc ca sĩ Mỹ Linh hát Quốc ca trong buổi gặp mặt Tổng thống Barack Obama hôm 24/5, chúng tôi có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES). Ông đã chia sẻ quan điểm về "đám đông cư dân mạng" qua sự kiện này.

ml1
TS. Đặng Hoàng Giang cho rằng, ca sĩ Mỹ Linh hát không phải theo một đám đông nào đó ra lệnh

Ca sĩ Mỹ Linh hát Quốc ca trong bối cảnh Tổng thống Mỹ gặp gỡ giao lưu với giới trẻ, doanh nhân Việt Nam. Chọn lựa cách hát như ca sĩ Mỹ Linh có tốt hơn về mặt ngoại giao hai nước không, thưa ông?

Tôi chưa từng biết một trường hợp nào mà quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị ảnh hưởng bởi cách người ta hát Quốc ca. Quốc ca có thể được hát ở nhiều nơi, trước một trận bóng, trong các buổi lễ, và hát bằng nhiều cách. Người ta hát quốc ca để bày tỏ cảm tình với đất nước, và người hát có quyền bày tỏ tình cảm theo cách của mình. Không ai có quyền bắt người khác phải thể hiện tình yêu nước theo cách của mình.  

Ở góc độ người làm nghiên cứu về phát triển ông thấy sao khi nhiều facebooker lên mạng đồng thanh nhục mạ ca sĩ Mỹ Linh, khi cô ấy hát Tiến quân ca không như họ muốn?

Như đã nói, mỗi ca sĩ có quyền tự do thể hiện một một bài hát, bất kể bài nào, dù là bài Tiến quân ca (Quốc ca). Họ có quyền hát như ý mình muốn, chứ không phải theo lệnh, dù là lệnh của chính quyền hay của đám đông. Tôi tôn trọng quyền tự do sáng tạo, tự do biểu đạt của nghệ sĩ. Họ có quyền sáng tạo, còn sáng tạo có hay hay không lại là chuyện khác. Chúng ta có thể không thấy hay, nhưng không nên vì thế mà quay ra sỉ nhục người hát.

Nhiều người cho rằng Quốc ca cần được thể hiện một cách hùng dũng, sôi sục, làm cho mình muốn ra trận. Tôi cho rằng lòng yêu nước có thể được thể hiện bằng nhiều sắc độ khác nhau, không phải cứ là sôi sục muốn ra trận. Có thể mình thích hát Quốc ca theo cách hào hùng, nhưng cũng nên cho người khác cái  tự do hát nhẹ nhàng, tình cảm.

Tôi tôn trọng cách hát của Mỹ Linh. Cô ấy có quyền hát như vậy. Tôi phản đối tất cả những bình luận ném đá và sỉ nhục Mỹ Linh và cho rằng quốc ca thì phải hát theo một kiểu nhất định. Thật là kinh khủng khi chúng ta sống trong một xã hội mà các dân phòng trên mạng tuần tra và trừng phạt những người hát không đúng ý họ.

Nhưng đám đông thích nhục mạ đối tượng khác ở trên mạng, dường như họ vẫn đang sôi sục với cơn giận dữ với ca sĩ Mỹ Linh?

Tôi nghĩ có thể họ không có việc gì để làm. Họ dành rất nhiều thời gian để bình luận những việc người khác làm. Cũng có thể họ bị bó buộc trong một không gian chật hẹp, thiếu khoan dung, quan điểm hẹp hòi rằng việc này được làm, việc kia không được. Chúng ta cần nhiều sự bao dung hơn trong xã hội.

ml2
Ca sĩ Mỹ Linh hát Quốc ca trong buổi gặp mặt Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: TTXVN

Thậm chí, có ý kiến nhận định rằng: Mỹ Linh làm mất danh dự, quốc thể của người Việt khi hát không đúng nhịp của Quốc ca như nó vốn có.

Tôi thấy họ thật đáng thương khi dễ bị người khác làm tổn thương. Danh dự của họ, danh dự của Việt Nam đâu dễ bị sứt mẻ bởi việc một, hai người nào đó hát Quốc ca như thế nào đâu?

Ông có thấy cư dân mạng “hoan hỉ lên đồng” bởi bất kỳ sự kiện của ai đó?

Tôi nghĩ gần đây, cư dân mạng hay có xu hướng trở thành những quan toà giảng giải về đạo đức, vào hùa với nhau để đánh giá người khác vô đạo đức. Chuyện đi hay không đi Trường Sa, biểu tình hay không, hát quốc ca như thế nào, đều được quy về chuyện đạo đức. Việc cùng làm quan tòa như thế khiến không khí xã hội rất bức bối, độc địa, thiếu khoan dung.

Tôi nghĩ tốt nhất mình hãy làm tốt việc của mình trước đi, đừng suốt ngày dùng thời gian của mình để soi mói người khác. Chúng ta không hiểu được lý do của họ mà đã lên mặt dạy dỗ họ về mặt đạo đức thì không ổn.

Sự “lên đồng” này ít nhiều cũng có tội của truyền thông chứ, thưa ông?

Truyền thông đang chạy theo đám đông và dành rất nhiều “đất” cho những câu chuyện nhảm nhí như thế này. Những người làm truyền thông phải có trách nhiệm trong việc làm xã hội có không khí sạch sẽ hơn, chứ không phải vì câu view mà chạy theo phục vụ mong muốn của đám đông “ném đá” người khác.

Cảm ơn ông!

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment