Friday, May 27, 2016

Sẽ thay đổi thủ tục chuyển tuyến có lợi cho người bệnh

Sẽ thay đổi thủ tục chuyển tuyến có lợi cho người bệnh - 1

Ảnh minh hoạ.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg Phê duyệt Phương án đơn giản hóa các thủ tục, quy định liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh cho người dân thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế. Theo đó việc chuyển tuyến khám chữa bệnh cũng có nhiều thay đổi, rút ngắn thời gian cho người bệnh hơn.

Cụ thể theo quyết định này thì phương án chuyển tuyến khám chữa bệnh được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để triển khai phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo đó việc chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh sẽ có 5 thay đổi.

Thứ nhất: bỏ quy định bắt buộc hội chẩn trước khi chuyển tuyến.

Lý do: Cán bộ phụ trách chuyên môn chịu trách nhiệm quyết định việc hội chẩn khi cần thiết để giảm tải về hội chẩn và thuận tiện, nhanh chóng cho việc chuyển tuyến trong những trường hợp không cần thiết phải tiến hành hội chẩn.

Thứ hai: Bỏ quy định trong trường hợp cấp cứu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần liên hệ với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dự kiến chuyển người bệnh đến.

Lý do: Quy định này là không hợp lý và làm phát sinh thêm công việc cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng như kéo dài thời gian chờ đợi cho người bệnh vì Bộ Y tế đã có quy định cụ thể về phân tuyến nên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ cần căn cứ phân tuyến và tình trạng của người bệnh để thực hiện việc chuyển tuyến mà không cần phải liên hệ trước. Việc liên hệ trước chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 của Thông tư số 14/2014/TT-BYT của Bộ Y tế.

Thứ 3: Bỏ mục “Vào sổ chuyển tuyến số: ……” trong mẫu giấy chuyển tuyến.

Lý do: Qua khảo sát thực tế cho thấy nội dung này không còn giá trị về thống kê y tế do nhiều bệnh viện đã áp dụng quản lý hồ sơ điện tử không sử dụng thông tin này nên không thể điền. Tuy nhiên, nếu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không điền đủ nội dung này trên giấy chuyển tuyến thì cơ quan BHXH có thể sẽ không thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh với lý do không đủ thông tin theo quy định và người bệnh sẽ phải quay lại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã chuyển đi để xin bổ sung hồ sơ.

Thứ tư: Bỏ quy định giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký.

Lý do: Qua khảo sát thực tế cho thấy, nhiều trường hợp đã có giấy chuyển tuyến nhưng vì nhiều lý khác nhau như phải sắp xếp thời gian công tác hoặc phải tìm nguồn tiền để chi trả nên phải sau 10 ngày làm việc mới có thể đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ghi trên giấy chuyển tuyến để làm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh. Việc quy định thời hạn của giấy chuyển tuyến dẫn đến việc người bệnh phải quay trở lại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã chuyển đi để xin lại giấy chuyển tuyến. Nhưng để cấp lại giấy chuyển tuyến cho người bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải thực hiện lại việc khám lâm sàng cũng như thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng để có căn cứ cho việc lập hồ sơ chuyển tuyến. Điều này vừa làm phát sinh chi phí vừa làm người bệnh mất thêm nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, theo Điều 27 của Luật BHYT thì “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT có trách nhiệm chuyển người bệnh kịp thời đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT khác theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật” và trong Thông tư 14/2014/TT-BYT quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không quy định thời hạn của giấy chuyển tuyến. Vì vậy, không nên quy định riêng để hạn chế thời hạn giá trị trị của giấy chuyển tuyến đối với bệnh nhân BHYT mà cần thực hiện cơ chế giám sát trách nhiệm của bác sỹ trong việc phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm tư vấn về các rủi ro và gánh nặng chi phí nếu không kịp thời chuyển tuyến để điều trị.

Thứ 5: Quy định giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng 12 tháng kể từ ngày cấp thay vì có giá trị sử dụng đến hết năm dương lịch đối với các trường hợp người có thẻ BHYT mắc các nhóm bệnh và các trường hợp quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư số 37/2014/TT-BYT ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Lý do: Theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 9 thì giấy chuyển tuyến đối với một số trường hợp như người mắc bệnh mãn tính, người mắc bệnh phải điều trị dài ngày chỉ có giá trị sử dụng đến hết năm dương lịch (ngày 31 tháng 12 năm đó). Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều giấy chuyển tuyến được cấp vào ngày 30 tháng 12 nên dẫn đến tình trạng người bệnh chưa kịp chuyển tuyến thì giấy chuyển tuyến đã hết hạn sử dụng hoặc hết hạn sau một thời gian ngắn được cấp giấy chuyển tuyến. Điều này dẫn đến việc phát sinh cả chi phí và thời gian của người bệnh đồng thời làm phát sinh một lượng lớn công việc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do người bệnh được chuyển tuyến để điều trị các bệnh mãn tính hoặc bệnh phải chữa trị dài ngày sẽ tập trung làm thủ tục vào những ngày đầu của năm tiếp theo.

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment