Mấy hôm nay người ta lại ầm ỹ lên với vụ báo giá quảng cáo khi sử dụng hình ảnh các cầu thủ ngôi sao của đội tuyển U23 khi mà giá độc quyền hình ảnh một năm có thể lên đến 3 tỷ. Nhiều người dè bỉu “ủ ôi, làm tiền ngay được”, người thì “Tưởng thế nào, vì tiền cả thôi!”, thậm chí còn thấp thoáng bóng dáng một vụ kiện về quyền khai thác hình ảnh…
Người ta bắt đầu nhìn những cầu thủ, những người mà họ vừa tung hô như người hùng ngày hôm qua như những kẻ hám lợi. Vậy thực ra 3 tỷ (lý thuyết) đó là đắt hay rẻ?
Các cầu thủ U23 Việt Nam
Tôi từng có cơ hội làm việc với nhiều ngôi sao ca nhạc từ khi họ còn chưa có ai biết đến. Còn nhớ trong một sự kiện dành cho giới trẻ gần 20 năm về trước, ca sỹ MT lúc này mới bước ra sự nghiệp solo sau khi đoạt huy chương trong Liên hoan giọng ca Vàng châu Á. Khi đó chả mấy người nghe đến tên của cô bé nhỏ thó, làn da ngăm đen và mái tóc ngắn cá tính. Chúng tôi còn thoải mái ngồi đong đưa chân trên cái lan can tám chuyện trên trời dưới biển khi chờ duyệt chương trình, không lo bị fan làm phiền xin chữ ký.
Vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau, cô trở thành một diva nổi tiếng và đương nhiên không thể ngồi đong đưa chân tán phét với tôi nữa.
Hay như năm 2014, lúc này ca sỹ ST cũng mới chỉ loanh quanh tìm kiếm cơ hội, cứ có show là nhận để tăng tần suất xuất hiện trên sân khấu. Biểu diễn 2 đến 3 bài theo thỏa thuận, em còn sẵn sàng hát tặng thêm vài bài nữa với cái phong bì mang tính “cảm ơn” hơn là thù lao đúng nghĩa.
Nhưng 6 tháng sau, chỉ bằng một ca khúc hit em đã trở thành hiện tượng, giới trẻ sôi sục lên vì em. Nếu muốn mời em diễn thì sẽ phải thêm rất nhiều số không vào cái “cảm ơn” đó.
Cho đến giờ các con số không ngừng tăng theo giá trị lũy tiến, nếu tình cảm lắm thì bớt một chút chứ cũng chẳng thể phá giá thị trường.
Cơ mà đấy là ca sỹ, cơ hội kiếm tiền của họ sẽ còn dài nếu duy trì được phong độ, tài năng và sức hấp dẫn công chúng của mình. Còn danh tiếng sẽ còn người muốn mang tiền đến đưa.
Nhưng cầu thủ thì khác nhiều, khi mà tài năng phải đi cùng với vận may và cơ hội thì mới mong thành công. Thời kỳ đỉnh cao của một cầu thủ chỉ được vài năm do đặc trưng nghề nghiệp, chưa kể trường hợp không may mắn gặp phải những chấn thương thì sự nghiệp cũng phải kết thúc không hề suôn sẻ.
Một ca sỹ về già, giọng hát không còn phong độ thì vẫn có cơ hội kiếm tiền bằng nghề (ca sỹ CL, KL vẫn làm được live show khi mà giọng đã run, hơi đã đuối đấy thôi), nhưng một cầu thủ về vườn nếu không có điểm tựa kinh tế thì chắc chỉ còn cách xách giầy đi đá phủi kiếm tiền độ... Nếu không có cơ hội tỏa sáng thì dù tài năng đến mấy họ cũng chỉ là cái bóng lờ mờ.
Nói đâu xa ngay như người hùng Bùi Tiến Dũng, trước trận bóng gặp Iraq ở giải U23 có lẽ cũng không nhiều người biết đến em, và ngay tại CLB của mình em cũng chỉ được xếp vào hàng… dự bị. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, em đã may mắn có mặt ở đúng vị trí, đúng thời điểm để thể hiện tài năng của mình…nói không ngoa “một bước thành sao”.
Vậy các cầu thủ U23 có được kiếm tiềm bằng hình ảnh của mình? Tôi nghĩ việc này hoàn toàn chính đáng. Các em tự chịu trách nhiệm làm hình ảnh hay lựa chọn 1 bên làm đại diện đàm phán các dự án quảng cáo hay không cũng là quyền lựa chọn của chính cầu thủ, miễn họ không vi phạm các cam kết hay hợp đồng (nếu có) trước đó.
Người ta bảo thể thao đỉnh cao rất “bạc”, hết thời là hết nghiệp. Chúng ta đã có bao tấm gương VĐV đỉnh cao phải giải nghệ trong đói nghèo bệnh tật. Chúng ta có bao nhiêu cầu thủ vướng vào lao lý vì bán độ do chưa yên tâm về tương lai mịt mờ.
Chúng ta cho phép mình đòi hỏi các cầu thủ phải thi đấu, phải cống hiến, hào hứng với cảm xúc họ mang lại…nhưng hình như chả mấy ai nghĩ sau này cầu thủ sẽ sống thế nào! Lương hưu thì không có, không đá được thì các CLB cũng sa thải không trả lương, số ít may ra kiếm được chân HLV cho đội tuyển trẻ hay các đội phong trào, số đông khác thì loanh quanh với những việc ngoài chuyên môn của mình…
Quá khứ hào hùng chỉ để lại trong…vài tấm ảnh và người hâm mộ ngày nào giờ đang bận quan tâm tới những “sự cống hiến” mới.
Giá tiền đó liệu có đắt?!
No comments:
Post a Comment