“Lúc bị bắt, em cứ nghĩ ở đó mấy hôm rồi sẽ được thả về, ai ngờ vô thẳng nhà tù luôn” - cô bé Nguyễn Thị Thùy D., phạm nhân đang thụ án tại trại giam Long Hòa (Tổng cục VIII, Bộ Công an), trải lòng. Ngày bị bắt cô bé mới 15 tuổi.
Nghiện ngập ở tuổi 15
Em giải thích cha mẹ luôn hy vọng cuộc đời em sẽ luôn lạc quan, rực rỡ, vui vẻ. Tuy nhiên, em đã bước vào ngã rẽ tăm tối.
“Nhà em ở Sài Gòn, có hai chị em. Ba mẹ em ly dị từ khi em còn nhỏ. Ba đi lấy vợ khác, thời gian sau mẹ cũng có người mới. Nhưng người này cũng bồ bịch rồi bỏ mẹ con em” - cô gái trẻ nói về gia đình.
Gia đình đổ vỡ, không có người quan tâm, em nghỉ học giữa chừng rồi sớm theo đàn anh, đàn chị lao vào các cuộc chơi.
“Em quen bà chị kết nghĩa rồi quen hai thằng kia. Tụi nó đập đá, cho em xài ké. Nhưng xài miễn phí hoài thì cũng kỳ nên lúc tụi nó rủ đi giật đồ, em gật đầu luôn” - D. hồn nhiên kể.
Em và người anh “kết nghĩa” phân công khi gặp “con mồi”, em chỉ việc lao vào đánh, việc giật đồ là của hai người kia. Nghĩ như đánh lộn ở trường, em gật đầu. Vụ thứ nhất thành công, em được chia tiền. Đến vụ thứ hai, gần cuối năm 2015, khi chưa kịp giật thì cả nhóm bị bắt. Lúc đó em 15 tuổi, em nghĩ ở đó mấy hôm rồi sẽ được thả về, ai ngờ vô tù luôn” - D. nói.
Tết là nhớ nhà quay quắt
“Mẹ em nấu ăn ngon lắm. Trong trại thì “đồ kho nấu như canh, còn canh nấu như đồ mặn”, hồi đầu mới vào em nuốt không trôi. Khi bưng chén cơm là em khóc vì nhớ mẹ, nhớ nhà...” - D. tâm sự.
D. cho biết những ngày Tết, ngồi trong buồng giam nhớ những ngày hai mẹ con thức đợi giao thừa. “Em nhớ mùng 1 đầu năm, hai mẹ con dậy sớm, mẹ thắt bím tóc, dắt qua bên ngoại chúc Tết, nhận tiền lì xì… Tết ở trại cũng có bánh trái, mứt… nhưng buồn lắm” - D. nhìn xa xăm nói.
“Mẹ em bán bún, mỗi tháng gửi cho em 400.000-500.000 đồng. Tụi em còn nhỏ nên mỗi tháng gia đình được lên thăm 2-3 lần, có lần mẹ cho tiền, có lần không nhưng tháng nào mẹ cũng lên thăm, bảo em cải tạo tốt để sớm về với mẹ. Từ lúc em vô đây, mẹ bị bệnh. Lúc mẹ bị mổ, không ai lo. Chị đi lấy chồng ngoài Bắc, không về được. Em chuyển từ trại tạm giam Công an quận 12, rồi qua trại Bố Lá, sau đó về đây” - D. xoắn chặt góc áo nói.
“Hồi ở ngoài em theo bạn đập đá, ốm nhom. Vô đây đã gần 60 kg rồi chị… Thụ án xong, em sẽ về nhà học nghề hoặc theo phụ mẹ bán bún” - cô bé nhoẻn miệng cười.
“Giá cha mẹ quan tâm con nhiều hơn!”
Thượng úy Nguyễn Xuân Trung (Bí thư Đoàn cơ sở kiêm cán bộ giáo dục) tại trại giam Long Hòa cho biết khoảng 2.400 người đang thụ án tại đây thì có gần 500 phạm nhân vị thành niên, phạm nhiều tội nhưng nhiều nhất là cướp giật, trộm cắp, hiếp dâm…
“Chưa có khảo sát cụ thể nhưng từ thực tế công việc, có khoảng 40% trẻ đi vào con đường phạm tội do tác động của hoàn cảnh gia đình” - Thượng úy Trung thông tin.
“Có bậc phụ huynh hoàn cảnh khó khăn, mải lo kiếm tiền, bỏ bê con cái và các em sa chân vào đường tối. Thế nhưng có những người lên thăm con bằng ô tô riêng, mang rất nhiều đồ ngon vật lạ. Họ tâm sự nhà không thiếu gì nhưng không hiểu tại sao con lại đi cướp giật” - ông Trung nói.
Nhiều bậc làm cha làm mẹ cứ nghĩ giờ còn trẻ phải kiếm tiền lo cho con cuộc sống tốt nhất. Thế là họ cứ vứt cho con cục tiền, thích tiêu như thế nào thì tiêu…, bỏ bê, thiếu quan tâm chăm sóc, con theo bạn bè xấu đua đòi, cướp giật lúc nào không hay biết. “Con cái mới là tài sản quý giá nhất của cha mẹ. Đến khi con vào tù mới thấy hối hận là rất, rất muộn” - cán bộ trại giam Long Hòa đúc kết.
Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64), Bộ Công an cho thấy trong hai năm (2014-2015), toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ vi phạm pháp luật do hơn 25.000 trẻ em và người chưa thành niên gây ra. Trong đó, phần lớn là các hành vi cướp tài sản (2.105 vụ), cố ý gây thương tích (3.236 vụ), gây rối trật tự công cộng (2.035 vụ), trộm cắp tài sản (4.027 vụ)... Cơ quan công an đã xử lý hình sự 5.667 vụ với hơn 8.300 người. Đáng chú ý, số trẻ dưới 14 tuổi chiếm tỉ lệ gần 20%. Tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM đã manh nha xuất hiện hiện tượng mại dâm trẻ em nam 12-17 tuổi. |
No comments:
Post a Comment