Chỉ trong vòng 4 tháng, bé Đoàn Thùy Dương (SN 2013) – em bé phải đi bằng “4 chân” sống nhờ những chiếc bao cao su và băng vệ sinh đã phải trải qua 6 cuộc đại phẫu. Dù vậy, nhưng bé Dương vẫn rất hồn nhiên, không hề tỏ ra đau đớn vì em biết, nếu không để bác sĩ phẫu thuật thì giấc mơ đến trường của em cũng không bao giờ trở thành hiện thực.
Bé Dương đã có thể đứng thẳng bằng đôi chân của chính mình.
Chúng tôi đến phòng trọ anh Đoàn Mạnh Lâm (SN 1970, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) một ngày giáp Tết. Trong căn phòng rộng khoảng 15m2 đó, anh Lâm và vợ đang tất bật hết cho ăn rồi lại vệ sinh cho các con.
Anh Lâm cho biết, Tết này anh ở lại phòng trọ luôn chứ không về nhà, vì nhà chật, đông người, các con anh đứa thì dị tật, đứa thì quấy khóc suốt đêm nên sợ phiền mọi người.
Còn việc chuẩn bị khi Tết sắp đến, anh Lâm nói ngắn gọn: “Tết đơn giản thôi, vì con có ăn được gì đâu, bố mẹ cũng trông các con cả ngày. Chắc chỉ mua 2 chiếc bánh chưng về thắp hương”.
Tết này cả gia đình anh Lâm sẽ ở lại xóm trọ đón giao thừa.
Vừa nói anh vừa chỉ vào cháu Đoàn Thùy Dương: “Cháu giờ phải kiêng nhiều thứ lắm vì mới nối ruột xong”. Theo lời kể của anh Lâm, con gái anh từ tháng 9 đến nay đã trải qua 6 cuộc đại phẫu gồm: Phẫu thuật dị tật bàn chân, phẫu thuật nối ruột, tạo hậu môn giả.
Trải qua nhiều ca phẫu thuật, cân nặng của cháu Dương sút đi nhiều, nhưng điều mừng nhất đối với người bố này là con không còn phải sống nhờ vào những chiếc bao cao su và băng vệ sinh nữa.
Sau nhiều ca đại phẫu Dương không còn phải sống nhờ những chiếc bao cao su.
“Cháu bây giờ dù vẫn còn khó khăn, nhưng không còn phải đi vệ sinh bằng hậu môn nhân tạo. Thế là tôi mừng rồi”, anh Lâm chia sẻ.
Ngồi bên cạnh nghe bố nói chuyện, đôi lúc Thùy Dương nói những câu vô cùng đáng yêu.
Dương cho biết, khi phẫu thuật rất đau nhưng em cố chịu vì bác sĩ và bố dặn phải mổ xong, khỏi bệnh thì về mới đi học được, nhắc tới điều này, Dương thích thú cười giòn tan.
Anh Lâm chía sẻ con gái anh rất thích đi học, sáng nào anh cũng đưa Dương ra cổng trường mầm non gần nhà xem các bạn tập thể dục và con chỉ ước được đến trường như các bạn.
Dù đã đi được nhưng chân bé Dương bị teo đi và rất yếu.
“Nếu sức khỏe cháu tốt lên, năm sau chúng tôi sẽ cho cháu đi học mầm non, biết rằng giờ đi học sẽ không theo kịp các bạn, nhưng vì cháu thích nên tôi sẽ chiều con”, anh Lâm nói về dự định trong năm tới.
Sau một hồi nói không ngớt và đứng dậy bằng đôi chân mới được phẫu thuật của mình để biểu diễn cho mọi người xem, Thùy Dương có vẻ mệt mỏi và ngồi bệt xuống giường. Thấy con như vậy anh Lâm tiếp lời: “Chân cháu bị teo cơ, bé hơn cả tay. Dù rất muốn đi nhưng do chân yếu nên chỉ được vài bước lại phải ngồi xuống nghỉ”.
Trước đây bé Dương phải chống cả 2 tay xuống mới có thể di chuyển được.
Được biết, trước đây Dương phải chống cả hai tay xuống nền mới tự đi được, vì thế khi thấy con đi dù chỉ vài bước nhưng vợ chồng anh Lâm rất vui.
Điều lo lắng nhất của vợ chồng anh Lâm lúc này là các con ăn uống kém, người càng ngày càng gầy, hệ miễn dịch thì suy giảm.
Anh Lâm trải lòng: “Bây giờ điều mơ ước lớn nhất của tôi chỉ làm sao hai con khỏe mạnh như các bạn, nhất là Dương. Dù cháu đã được phẫu thuật tái tạo hậu môn nhưng thực sự tôi vẫn rất lo”.
Dương là một em bé rất thông minh, khi bố mẹ buồn em có thể hát cho bố mẹ nghe.
Nghe bố nói vậy, dường như Dương biết bố đang buồn nên đứng dậy ôm cổ bố từ phía sau và nói: “Hay con lại hát cho bố nghe nhé!”, vừa nói xong Dương yêu cầu mẹ mở nhạc từ điện thoại, Dương vẫn ôm cổ bố từ phía sau, chân nhún nhún theo điệu nhạc và cất tiếng hát còn ngọng nghịu.
Bế con gái thứ 2 trên tay, chị Hướng (vợ anh Lâm) nhìn con tủm tỉm cười, nhưng cùng với nụ cười đó là giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Chị bảo: “Dù khó khăn, nhưng mỗi khi thấy con gái nhí nhảnh, đáng yêu như vậy tôi cảm thấy hạnh phúc rơi nước mắt”.
No comments:
Post a Comment