Tiêm chất làm đầy xong, môi của Kiều xuất hiện hiện tượng vón cục, phồng rộp, tụ máu bầm, cả hai môi đều bị lệch.
Kiều 26 tuổi ở Hà Nội, hiện là du học sinh tại Nhật Bản. Diện mạo ưa nhìn, làn da trắng mịn, gương mặt dễ thương, nụ cười duyên song cô gái luôn muốn mình trở nên đẹp hơn. “Môi em hơi mỏng. Em thích môi hình trái tim và căng mọng hơn. Em sợ phẫu thuật nên chọn cách tiêm filler cho an toàn”, cô gái chia sẻ.
Về nước nghỉ hè năm 2016, Kiều đến một spa tại Hà Nội để tiêm chất làm đầy (filler) môi với chi phí 4,5 triệu đồng. Ngay sau khi tiêm, Kiều xuất hiện tình trạng filler vón cục, lồi lõm ở cả hai bờ môi. Miệng bị lệch và biến dạng, môi trên hở lợi khiến cô gái từ đây không dám cười, đi đâu cũng đeo khẩu trang.
Filler vón cục trong môi cô gái. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Kiều liên lạc với cơ sở làm đẹp kia thì người đại diện spa cam kết filler đảm bảo chất lượng. “Môi là mô mềm, filler tiêm vào chưa tan hết nên lồi lõm nhẹ và còn cục nhỏ li ti, sau khi tan thì cục sẽ tiêu hết”, người đại diện cơ sở spa giải thích.
Chờ hơn một năm sau filler vẫn chưa tan, Kiều về nước trở lại cơ sở này để yêu cầu khắc phục. Sau ba lần tiêm chất làm tan filler, tình trạng vón cục không cải thiện mà môi của Kiều còn bị thâm bầm và tụ máu nhiều hơn. Cô gái bảo: “Em vô cùng hối hận về quyết định làm đẹp mà không chọn cơ sở uy tín. Giờ đây em chỉ mong sao môi mình trở về như ngày xưa”.
Theo chuyên gia thẩm mỹ nội khoa Nguyễn Chí Lân, chất làm đầy được dùng trong lĩnh vực thẩm mỹ thông dụng nhất hiện nay gọi chung là filler, chứa thành phần chủ yếu là hyaluronic axit. Tuy nhiên thị trường có nhiều loại chất làm đầy không nguồn gốc, kém chất lượng như silicon lỏng giá rẻ… Các cơ sở thẩm mỹ bình dân sử dụng loại filler này và gây biến chứng nghiêm trọng cho người dùng.
Những biến chứng thường gặp là filler vón cục dưới da, sưng bầm tím, xuất huyết, phản ứng dị ứng, nốt đỏ sần, mặt không cân xứng. Nghiêm trọng hơn, nếu tiêm filler vào trúng mạch máu có thể dẫn đến tắc mạch, hoại tử mô, nhiễm trùng, áp xe…
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng, kỹ thuật tiêm filler thuộc lĩnh vực khám chữa bệnh chỉ được thực hiện tại bệnh viện và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ được cơ quan chức năng cấp phép. Cơ sở nào chưa có giấy phép mà thực hiện thủ thuật này gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của người khác hoặc từng bị xử phạt mà tái phạm, có thể bị xử lý hình sự. Bồi thường cho người bị thiệt hại có thể bao gồm toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, đi lại, ăn uống khi nằm viện, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút…
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Trần Ngoan (VNE)
No comments:
Post a Comment