Khi con chào đời tôi hạnh phúc muốn bật dậy ôm con vào lòng
Quay trở lại ngồi nhà cô Nguyễn Thị Nguyệt (Lục Ngạn, Bắc Giang) người phụ nữ sinh con ở tuổi 60, trong ngôi nhà rộn ràng tiếng cười đùa của trẻ thơ, cùng với đó là những nụ đào chúm chím nở ở giữa phòng khách.
Tiếp chuyện chúng tôi, cô Nguyệt vui vẻ cho biết, năm nay là cái Tết đặc biệt của gia đình và ăn Tết to hơn mọi năm vì mới dựng xong một ngôi nhà khang trang, cùng với đó là sinh nhật con trai cô tròn 2 tuổi vào đúng dịp Tết.
Năm nay Tết nhà cô Nguyệt, chú Toàn vui hơn vì sinh nhật con trùng vào ngày Tết.
Ngồi bên cạnh mẹ, Nguyễn Trọng Khánh (2 tuổi, con cô Nguyệt) liên tục bi bô hóng chuyện. Nhìn bé Khánh những suy nghĩ trước đó về câu nói “cha già, con cọc” đã hoàn toàn tan biến. Bởi Khánh rất khỏe mạnh, hiếu động, hóm hỉnh và thông minh…dù cho cha mẹ đều “già”.
Cháu Trọng Khánh bên vòng tay mẹ khi tròn 2 tuổi.
Trong suốt cuộc trò chuyện, cô Nguyệt không ít lần nhớ lại thời khắc hai vợ chồng vất vả đi "tìm" con, và phút giây hạnh phúc khi được hưởng “trái ngọt”.
Đó là ngày 10/2/2016, cô trở dạ sinh con tại BV Sản Nhi Bắc Giang, khi lên bàn đẻ cả bác sĩ và gia đình ai cũng lo, chính bản thân cô dù đã 2 lần vượt cạn trước đó và có kinh nghiệm khi đi chăm người đẻ, nhưng khi đó người vẫn run lên vì hồi hộp.
“Khi bác sĩ thông báo: Thành công rồi! Một bé trai khỏe mạnh nhé! Lúc đó tôi hạnh phúc rơi nước mắt, chỉ muốn bật luôn dậy để ôm con vào lòng”, cô Nguyệt kể.
Để có giây phút hạnh phúc bên con, hai vợ chồng cô Nguyệt phải trải qua hành trình dài kiếm con.
Nhưng để có được giây phút hạnh phúc đó, người mẹ này cũng đã trải qua không biết bao gian truân vất vả, đó là gần 5 năm nén nỗi đau, đi khắp mọi nơi với quyết tâm có đứa con bầu bạn khi về già. Thậm chí, đã có lúc suy nghĩ ấy sụp đổ nhưng rồi “trời đã không phụ lòng người”.
“Tôi quyết định sinh cháu Khánh từ một biến cố xảy ra với gia đình vào năm 2011, khi con gái thứ 2 qua đời. Lúc đó, vợ chồng tôi mới về hưu, ngôi nhà trống vắng buồn lắm và 1 năm sau chúng tôi quyết định sẽ sinh con.
Quyết định sinh thêm con với vợ chồng cô Nguyệt không phải dễ dàng.
Gần 5 năm trời đi khắp các bệnh viện, có nơi họ trả lại hồ sơ vì tôi đã già. Hai vợ chồng tính đến nước nhờ người mang thai hộ, nhưng rồi trời thương, con gái phù hộ đã “ban tặng” chúng tôi một mụn con ở tuổi 60”, cô Nguyệt nhớ lại.
Người chồng bộ đội tuyệt vời khi cô giáo già mang bầu, sinh con
Trước khi nghỉ chế độ, sinh con cô Nguyệt là giáo viên, còn chồng là bộ đội chuyên nghiệp. Tưởng rằng, bộ đội chỉ biết súng ống và quân lệnh, nhưng trong mắt cô Nguyệt và những người thân trong gia đình chú Nguyễn Thanh Toàn là một người chồng, người cha hoàn hảo mà nếu chấm điểm sẽ đạt 10/10.
Suốt thời kỳ mang thai cho đến tận bây giờ chú Toàn luôn là chỗ dựa vững chắc cho 2 mẹ con.
Theo lời kể của cô Nguyệt, khoảng thời gian đáng nhớ nhất đối với cô là khi bác sĩ thông báo: Đã có bầu. Do mang thai ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nên rất nhiều nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì thế bác sĩ khuyến cáo nên hạn chế vận động đến mức tối đa.
Vậy là cả thời kỳ mang thai, trừ những thời điểm phải đi khám định kỳ thì cô Nguyệt phải nằm bất động hoàn toàn, mọi sự chăm sóc, sinh hoạt đều do một tay chồng chăm sóc.
Từng bữa cơm hàng ngày đều do một tay chú Toàn lo liệu.
“Khi ấy, con gái cả đã đi lấy chồng và bận con nhỏ, chồng tôi phải lo toàn bộ từ kinh tế gia đình đến sinh hoạt cuộc sống và cả chăm tôi nữa. Tôi vẫn nhớ những bữa cơm chồng nấu rồi đưa lên tận giường cho tôi ăn, hay cả những điều nhỏ nhặt nhất là vệ sinh cá nhân cho tôi, chồng cũng làm…Khi đó thương chồng lắm nhưng chồng đã nói một câu khiến tôi ấm lòng: Em cứ nghỉ ngơi, mọi việc cứ để anh lo hết”, cô Nguyệt kể lại.
Từ khi chào đời đến nay Trong Khánh chỉ bú sữa mẹ và ăn cháo do bố nấu.
Ngồi nghe vợ kể lại những kỷ niệm cách đây hơn 2 năm về trước, chú Nguyễn Thanh Toàn nở nụ cười rất tươi và nói với vợ: “Điều đó đáng gì so với việc em mang nặng đẻ đau. Anh chăm vợ anh, chăm con anh chứ chăm ai đâu mà sợ thiệt”.
Theo tiết lộ của chú Toàn, việc làm của chú không chỉ với trách nhiệm chăm vợ bầu, mà mỗi bữa cơm như vậy, mỗi việc làm như vậy đều là tình cảm mà chồng dành cho vợ, cho con.
Ngoài việc tăng gia trồng trọt chăn nuôi, hai vợ chồng chú Toàn dốc toàn lực cùng nhau chăm sóc con.
Có lẽ chính những tình cảm đáng trân trọng ấy là sợi dây gắn kết yêu thương của bố mẹ dành cho con từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Đó cũng là lý do vì sao từ khi chào đời đến nay Nguyễn Trọng Khánh chưa một lần ăn sữa ngoài, mà khẩu phần ăn của bé chỉ có dòng sữa mẹ và đồ ăn bố nấu.
“Tôi định ngoài Tết thời tiết ấm lên sẽ cai sữa cho con, nhưng có vẻ căng quá, cháu nhất thiết không chịu. Hỏi cháu là: Ti mẹ đến khi lấy vợ nhé? Cháu gật đầu”, cô Nguyệt vừa nói, vừa nhìn con âu yếm.
Vẫn biết chặng đường phía trước còn dài, nhưng thấy con phát triển khỏe mạnh từng ngày, cô Nguyệt mừng rơi nước mắt.
>>XEM THÊM: Kỳ tích: Cô giáo về hưu sinh con ở tuổi 60, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ
No comments:
Post a Comment