"Trước đây tôi có mơ cũng không nghĩ mẹ con tôi được ăn mâm cơm thịnh soạn thế này"
Gần 1 tuần kể từ khi đăng tải bài viết “Rơi nước mắt người mẹ muốn 6 con ăn một bữa no rồi cùng nhau chết bằng thuốc độc”, chúng tôi quay trở lại ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Lực (79 tuổi, ở khu 3, xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ).
Những nụ cười và ánh mắt rạng ngời của mẹ con bà Lực sau khi thức dậy ngày 30/4.
Tại đây, chúng tôi đã nhận thấy sự thay đổi rất lớn. Những người con của bà Lực đã khoác trên người những bộ quần áo mới hơn cùng những món đồ ăn vặt mà các con bà cầm trên tay và hơn ai hết bà Lực là người vui nhất.
Cũng trong buổi sáng tinh mơ ngày 30/4, một lần nữa chúng tôi lại được chứng kiến bữa ăn của người mẹ già và “đàn con thơ”. Nhưng thay vì cơm trắng, rau rừng và mỳ gói, bữa ăn của mẹ con bà hôm nay đã có thịt và đĩa rau xanh đã có mỡ để xào.
Thực phẩm chật kín trong chiếc tủ lạnh trị giá gần 20 triệu đồng vừa được các nhà hảo tâm mua tặng gia đình.
Bữa cơm có thịt chứ không phải là rau rừng và vì sợi như trước đó.
“Thịt, xương, kể cả là nồi canh đu đủ tất cả là tiền mọi người cho, tôi đi mua về cho các con tôi đấy. Trước đây tôi có mơ cũng không nghĩ mẹ con tôi được ăn một mâm cơm thịnh soạn thế này”, bà Lực chỉ vào mâm cơm và nói.
Chưa bao giờ mẹ con bà Lực có bữa ăn thịnh soạn với những cơm trắng, thịt kho, canh xương hầm và rau luộc.
Cùng với lời nói, bà Lực liên tiếp gắp thịt cho các con rồi liên tục nói những câu nói trìu mến: “Quyến ơi ăn đi con, thịt đây này”, hay: “Cái Hạnh đâu rồi, lại đây mẹ chan cho này”, Ăn miếng này nhiều thịt nạc con nhé”…
Nhìn những hình ảnh này, có thể thấy niềm vui và hạnh phúc của mẹ con bà Lực khi quây quần bên mâm cơm.
Cũng tại bữa ăn này, các con bà Lực ít chạy lung tung hơn trước. Tất cả mọi người đều ngồi quây quần bên mâm cơm trong gian bếp nhỏ, như để hưởng thụ sự hạnh phúc, đầm ấm mà cả cộng đồng đã dành cho gia đình bà Lực trong những ngày qua.
Bữa cơm kết thúc, các con bà Lực, đặc biệt là chị Hạnh vội vàng chạy lên nhà cầm quả táo Mỹ cắn ăn ngon lành. Thấy vậy bà Lực nói với chúng tôi rằng: “Đấy từ hôm được các anh, các chị cho hoa quả, cứ ăn cơm xong là lại đòi “tráng miệng””.
Chị Hạnh rất vui có hoa quả tráng miệng và bánh kẹo ăn vặt.
Những chiếc bánh quy, gói bim bim ... là món ăn quá quen thuộc, không hề đắt tiền của bất kỳ đứa trẻ nào nhưng lại là món đồ lần đầu các con của bà Lực được ăn.
Khi nhận những món quà ý nghĩa đó, bà Lực đã phải thốt lên rằng: “Mẹ con tôi đã được cứu sống rồi”. Dù được cứu sống nhưng trong lòng người mẹ ấy vẫn còn canh cánh những nỗi lo, mà không phải ai cũng thấu hiểu được.
Dù đã có tiền và thực phẩm nhưng bà Lực vẫn canh cánh trong lòng những nỗi lo.
Phía sau là những nỗi lo
So với trước đây cuộc sống của mẹ con bà Lực đã được cải thiện rất nhiều, bởi vậy khi trò chuyện với bà chúng tôi đã đặt câu hỏi về việc: Liệu bà có còn ý định đầu độc các con bằng thuốc ngủ khi mình già yếu nữa không?
Bưng bát cơm trên tay, nhìn đàn con đang quây quần bên mâm cơm, bà cố ghìm lại những giọt nước mắt và giãi bày: “Chẳng ai muốn con mình chết cả, nhưng tôi vẫn lo lắm, tôi chết đi ai sẽ chăm sóc cho chúng nó đây”.
Bà chỉ nói có vậy rồi lại kể cho chúng tôi nghe về sở thích của từng đứa con, như để lảng tránh đi những nỗi lo canh cánh trong lòng về số phận những đứa con sau khi mình khuất núi.
Bà Lực canh cánh những nỗi lo, sau khi khuất núi ai sẽ chăm sóc đàn con thơ dại.
Thậm chí ngay thời điểm hiện tại, dù gạo, tiền đã có, nhưng trong suy nghĩ của bà vẫn thường trực những nỗi niềm, bà chỉ sợ nay mai bệnh tật quật ngã bà xuống, bà sẽ không đủ sức lực để chăm các con.
“Giờ có chút kinh phí của những nhà hảo tâm tài trợ, có người nói với tôi là nên gửi các con vào trại tâm thần nuôi dưỡng. Nhưng đâu phải là dễ dàng, bởi những người con của tôi mỗi người một tính, nếu không hiểu thì sẽ không thể chăm sóc được”, bà nói vậy và chỉ tay ra cậu con trai út tên Toản để lấy ví dụ.
Hàng ngày bà Lực ra mộ thắp hương cho chồng mong phù hộ cho bà có sức khỏe để chăm con.
“Đấy, như anh chàng kia, cứ ăn mặn vào lại uống nước, thế là đêm tè dầm. Hoặc cứ trời mưa thì chạy ra đường…Thật sự, nếu không phải người thân thì họ đánh cho chứ chẳng đùa”, bà Lực lo lắng.
Đối với số tiền mà những nhà hảo tâm giúp đỡ, bà Lực cho biết: “Hiện tôi chưa biết phải làm như thế nào? Nhưng phương án khả thi nhất có lẽ vẫn là đi gửi ngân hàng, sau đó dùng nó vào việc chăm sóc các con”.
Được biết, trong những ngày qua số lượng những người ủng hộ bà lên đến hàng chục đoàn, số tiền bà Lực nhận được cũng giúp bà trang trải việc nuôi con trong những tháng ngày tới. Ngoài ra, các nhu yếu phẩm khác như gạo, mỳ tôm, dầu ăn…hiện đã quá nhu cầu dự trữ của gia đình. Không chỉ có vậy, các nhà hảo tâm còn mua cả máy giặt, tủ lạnh, quạt điện về ủng hộ bà. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Phụ Khánh cho biết, hiện danh sách các đoàn đến ủng hộ và tài trợ Ban mặt trận khu dân cư đã cử người ghi chép đầy đủ để tổng hợp. “Với việc nhiều người ủng hộ và tổng giá trị lớn như vậy, chúng tôi rất lo lắng về vấn đề an ninh, nhất là vào buổi tối. Hiện chúng tôi cắt cử lực lượng an ninh đến để đảm bảo an ninh trật tự. Nhưng về lâu dài nên có giải pháp an toàn cho mẹ con bà Lực", Chủ tịch UBND xã Phụ Khánh cho hay. |
No comments:
Post a Comment