Kiếp ăn mày bám riết
Gần chục năm trước Báo Gia đình & Xã hội đã viết về gia đình bà Phạm Thị Huyền 4 đời bị mù ở xóm 3, thôn Bằng Khê, xã Liêm Chung, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Khi đó bà Huyền vừa mù, vừa tập tễnh chăm sóc cháu gái nội trong căn nhà đầy bồ hóng, đầy bụi và tối tăm.
Theo bà Huyền, người đầu tiên trong gia đình bị mù là cụ Dài - mẹ bà. Cụ Dài khỏe mạnh, tinh tường. Nhưng vì khóc chồng hy sinh mà đôi mắt mờ đục dần, rồi mù hẳn.
Cụ Dài sinh ra bà Huyền. Năm lên 7 tuổi bà Huyền bị một cơn đau đầu, sau đó mắt cứ mờ dần rồi mù hẳn. Hồi đó kinh tế khó khăn, cụ Dài phải chống gậy ôm con đi ăn xin lắt lay qua ngày.
Họ từng rời quê lên Hà Nội ăn xin, nhưng một lần bọn lưu manh cướp hết tiền ăn xin, đẩy mẹ xuống Hồ Gươm, đưa con gái vào ngõ cướp nốt bộ tóc dài đẹp... Sợ quá, hai mẹ con đành tay bị, tay gậy dắt díu nhau về quê. Kiếp ăn mày bám bám chặt cuộc đời mẹ con bà Huyền.
Mãi bà Huyền mới sinh được anh Cường, và đau xót khi 2 tuổi con trai đã có dấu hiệu mù lòa và càng lớn càng bị nặng hơn. Mẹ mù nghèo khó, không có tiền đưa anh đi chữa bệnh, nên phải chấp nhận nhìn con trai mang căn bệnh “quái ác” di truyền mù dần cùng năm tháng.
Tuy được Nhà nước trợ cấp 180.000đ/tháng, nhưng hàng ngày bà phải bồng bế con bươn chải ăn xin khắp nơi. Cuộc sống của bà là cả một đại dương bóng tối không bến bờ, nhìn đâu cũng là vực thẳm mà không thấy được ánh sáng.
Bà Phạm Thị Huyền nằm bệt ở giường, nhưng rất vui khi có khách tới nhà. Ảnh:A.C
Thế hệ thứ 3 mới thoát kiếp ăn mày
Bác sĩ phát hiện anh Phạm Văn Cường có dấu hiệu bị mù giống mẹ từ năm lên 2 tuổi và không thể cứu được đôi mắt. Anh Cường từng được mẹ cho đi học, nhưng vì mắt kém, chẳng nhìn được cô giáo dạy nên cả 3 thế hệ chìm sâu vào bóng tối đau khổ và thất vọng với hành trình xin ăn qua ngày.
Anh Cường may mắn hơn bà và mẹ bởi xã hội ngày nay có điều kiện quan tâm hơn đến người khuyết tật, anh có sức khỏe nên được Hội Người mù Hà Nam cho đi học nghề tẩm quất, thoát kiếp ăn mày.
Số phận mỉm cười cho anh nên duyên với cô gái làng bên. Hạnh phúc nhân lên khi vợ chồng anh đã sinh được con gái là Phạm Thu Thanh. Và 2 năm trước anh sinh thêm được cậu con trai nữa.
Con gái Thu Thanh 7 năm đầu đời sáng mắt, lại lém lỉnh, cả nhà rất vui, và cả nhà đặt tất cả hy vọng vào đôi mắt sáng của cháu. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, từ khi Thu Thanh vào học lớp 1 thì đôi mắt bắt đầu kém dần đi, chỉ nhìn được 3/10.
Vợ chồng anh Cường lo lắng, vội vã đưa con đi các bệnh viện để khám. Các bác sĩ bảo, mắt của cháu Thanh đang có triệu chứng mờ dần, đáy mắt của cháu không trong. Đầu tiên bác sĩ cho uống thuốc, không phải phẫu thuật ngay. Nhưng nếu 12 - 15 tuổi mà không mổ thì mắt cháu cũng sẽ giống bố.
3 năm trước một số nhà hảo tâm đã đưa bố con anh Cường tới BV Mắt Quốc tế để khám chữa. Nhưng các bác sĩ Bệnh viện Mắt Quốc tế Hà Nội thông báo rằng, cả hai cha con anh Cường đều bị thoái hóa võng mạc, bệnh này chưa có cách nào chữa được.
Hai vợ chồng lại đưa con về. Thấm thoắt Thu Thanh đã học hết lớp 6, nhưng mắt kém quá nên không nhìn được cô giáo viết trên bảng dù đã được ngồi bàn đầu. Không chữa được bệnh mắt nghĩa là bé Thanh sẽ lại hứng chịu mọi nỗi đau đớn, khổ nhục của một kiếp người mù.
Gia đình anh Phạm Văn Cường.
Ước vọng ánh sáng
Gia đình 4 đời bị mù sống trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ do chính quyền xây cho. Việc đi lại, giao dịch với xã hội trông cả vào đôi mắt sáng của vợ anh Cường là chị Tình. Ngày nào họ cũng ao ước có phép màu để căn bệnh mù lòa di truyền của gia đình anh sẽ biến mất.
Sinh hoạt mò mẫm nên nhiều lần họ phải đổi bằng những tai nạn thương tâm như cho cả bàn tay vào nồi nước sôi, bị ngã thường xuyên, thậm chí phải nằm viện và cả bao ký ức đau buồn. Đi đâu bà cháu bố con cũng phải có người dẫn đi.
Mấy năm trước anh Cường có lên Văn Điển (Hà Nội) làm thuê trong một hiệu tẩm quất thì bị ốm, phải nằm viện mất 2 tháng. Vợ sắp sinh con thứ hai nên anh lại về để chăm sóc vợ con. Hiện cuộc sống của cả nhà trông vào tiền hỗ trợ của Nhà nước là 180.000đ/tháng, cộng với lương của vợ làm thuê cho một cửa hàng may, với làm 3 sào ruộng, nên cuộc sống rất khó khăn.
Phạm Thu Thanh - cô con gái lớn của anh Cường mắt đang kém đi.
Bà Huyền tâm sự, ơn Đảng và Nhà nước nên bà không phải sống trong ngôi nhà đầy khói bụi xưa, cuối đời không chìm trong cô đơn, hiu quạnh vì có con trai, con dâu và hai cháu nội. Nhưng bà đã ngót 60 tuổi, mắt mờ chân yếu, chậm chạp, giờ ốm chỉ nằm bệt ở nhà. Mọi gánh nặng gia đình đổ cả lên vai người con trai mù. Rồi bà xót xa tuôn tràn nước mắt bảo rằng đời bà đã thừa khó khăn chật vật với bóng tối, giờ những đứa cháu bất hạnh cũng có nguy cơ… nghe mà xót xa từng khúc ruột.
Nằm trên giường, bà Huyền xin các nhà hảo tâm giúp đỡ, để hai cháu của bà thoát kiếp mù lòa di truyền, để chúng có những ngày ngập tràn ánh sáng vui vẻ, thoát khỏi bóng tối mà 3 thế hệ trước đã gánh chịu.
Rời xóm 3 thôn Bằng Khê khi chiều đã hết, sự xót xa đè nặng trong tâm mỗi người. Những kiếp người mù lòa không biết ngày mai sẽ ra sao? Ở đó, bà Huyền như ngọn nến sắp tàn, quờ quạng ôm chặt những đứa cháu nội được bác sĩ cảnh báo đã tiềm ẩn nguy cơ bị mù. Anh Cường mù lòa ngày ngày đi làm tẩm quất mát xa. Vợ chồng anh và hai con đang đối mặt với một viễn cảnh tăm tối nếu hai con không được chữa trị sớm.
Gia đình 4 đời bị mù sống trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ khát khao mong có những đôi mắt sáng. Họ cần lắm những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ để bớt khó khăn chất chồng vì có mắt mà không nhìn được.
No comments:
Post a Comment