Hơn 1 ngày xảy ra sự cố 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ, trong đó có 7 trường hợp tử vong, chúng tôi đã gặp Ths.BS Hoàng Công Tình - Phó Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) người trực tiếp cấp cứu cho các bệnh nhân trong hơn 1 ngày qua, đồng thời cũng là người gắn bó trong suốt một thời gian dài với những bệnh nhân chạy thận.
Nhớ lại giây phút xảy ra sự việc, BS Tình vẫn chưa hết bàng hoàng. “Sự việc diễn ra quá nhanh, chúng tôi đã làm hết khả năng, cứu chữa người bệnh bằng tất cả những gì có thể. Nhưng rồi đã có 7 người ra đi, chứng kiến cảnh đó tôi đau xót vô cùng”, BS Tình nói.
Chia sẻ về những tình cảm, cảm xúc của mình với những người bệnh, BS Tình cho biết, đối với những bệnh nhân chạy thận, từ lâu các bác sĩ đã coi như người nhà của mình.
“Hàng ngày tiếp xúc với người bệnh, chúng tôi hiểu được tính cách, hoàn cảnh thậm chí là địa chỉ nhà của từng người, bởi vậy khi xảy ra và trực tiếp chứng kiến sự cố như vừa rồi hơn ai hết chúng tôi là người đau đớn nhất”, BS Tình nói.
Rất nhiều lần BS Tình trực khóc nhưng lại cố kìm nén cảm xúc trong lòng.
Nỗi niềm đó được bác sĩ Tình chia sẻ qua những lời nấc nghẹn và khóe mắt đỏ hoe: “Chúng tôi đau xót như những người thân trong gia đình người bệnh, đau như mất đi người thân của chính mình”.
Theo như chia sẻ của các đồng nghiệp cùng khoa, đã hơn 1 ngày nay BS Tình chưa ăn một miếng cơm. Chỉ tay vào góc tủ người đồng nghiệp này nói: “Bánh mỳ chúng tôi mua, anh ấy (bác sĩ Tình - PV) vẫn để đó chưa ăn”.
BS Tình nói với giọng buồn bã: “Tôi không muốn ăn uống gì, quả thật là không thể nốt nổi vì quá đau đớn, hụt hẫng với mất mát này”.
“Đã có lúc tôi thấy bất lực, muốn khóc to lên nhưng dưới tôi còn có những nhân viên và người bệnh, vì thế tôi phải dặn lòng, kìm nén cảm xúc để còn cứu những bệnh nhân còn đang nguy kịch”, BS Tình chia sẻ.
Nói về những dự định và lo lắng trong tương lai, BS Tình cho biết, chỉ mong các bệnh nhân sớm quay về điều trị tại bệnh viện.
“Rất nhiều bệnh nhân không muốn chuyển đi nơi khác điều trị, thậm chí có hai bệnh nhân dù trực tiếp tôi xuống động viên nhưng họ vẫn không về Hà Nôi, không còn cách nào khác chúng tôi phải chuyển ra Bệnh viện đa khoa thành phố Hòa Bình để tiếp tục chu kỳ chạy thận”, BS Tình cho hay.
Đến giờ phút này, chính bác sĩ Tình cũng đang không hiểu sao sự cố lại có thể ập đến, vì quy trình đó, máy móc đó, những con người đó đã "vận hành" biết bao nhiêu năm, tháng qua.
“Tôi cũng không hiểu do đâu, bây giờ chỉ biết đợi kết luận của các cơ quan chức năng, còn chúng tôi việc quan trọng nhất hiện tại là cứu chữa bệnh nhân”, BS Tình nói.
Không để ảnh hưởng đến bệnh nhân chạy thận Trong sáng ngày 30/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ trưởng Tiến cho biết, sẽ miễn phí toàn bộ, lo ăn ở cho các bệnh nhân. Theo nhận định của Bộ trưởng Tiến, 7 bệnh nhân tử vong trong số 18 bệnh nhân đang lọc máu ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là một sự cố y khoa rất trầm trọng, dù hàng năm cả nước có hàng triệu người lọc máu. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân sự việc, không thể để vì sự cố này mà bệnh nhân không đến điều trị. Được biết, sau chuyến thăm các bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, chiều 30/5, bà Tiến sẽ đến thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. |
No comments:
Post a Comment