Bệnh nhân chạy thận thoát chết sau sự cố xảy ra tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hòa Bình
May mắn thoát khỏi sốc phản vệ
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, đến nay có 10 bệnh nhân chuyển về Bệnh viện này và chuyển về các khoa. Hiện sức khoẻ của bệnh nhân đang ổn định.
Anh Lê Văn Tiến – 50 tuổi, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai là 1 trong 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ. Trong số 6 bệnh nhân cùng ca chạy thận của anh, 5 người đã bị ngất, còn anh Tiến vì phải rửa cục lọc nên mới chạy được 20 phút và chạy sau những người khác nửa tiếng nên sức khỏe không bị ảnh hưởng nhiều.
Hiện tại, anh Tiến thấy người khoẻ, chờ lọc thận chu kỳ. Các bác sĩ sẽ chuyển anh Tiến sang Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai để lọc máu chu kỳ.
May mắn thoát khỏi tai biến y khoa, anh Tiến tâm sự: “Đến giờ tôi thấy mình quá may mắn. 7 năm chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, chứng kiến nhiều người tử vong vì căn bệnh này nên tôi không quá sợ cái chết”.
Chưa hết bàng hoàng, bà Lê Thị Rấm - Kim Bôi, Hoà Bình kể, nhà bà cách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình 4 km, 1 tuần bà lọc máu 3 lần và hôm qua vẫn đi lọc máu như mọi khi. Khi tai biến xảy ra, bà bị đau bụng và đã nhanh chóng được cấp cứu và chuyển xuống khoa Thận Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Trên thế giới, lọc thận nhân tạo có khá nhiều biến chứng xảy ra, nhưng chỉ xảy ra đơn lẻ do các sự cố, thỉnh thoảng xảy ra với một số bệnh nhân chứ không trầm trọng thế này”.
Bác sĩ Dũng cho biết, trong 45 năm trở lại đây, đây là lần đầu tiên có biến chứng hy hữu xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.
Theo bác sĩ Dũng, quy trình chạy thận, lọc máu rất phức tạp qua vài chục công đoạn. Trong quá trình lọc theo dõi trong 3-4 tiếng với nhiều việc phải làm, chỉ cần một sai sót nhỏ là bệnh nhân có thể biến chứng tắc mạch và tử vong.
Chuyển 100 bệnh nhân về Hà Nội
Sáng 30.5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã vào Bệnh viện Bạch Mai thăm 10 bệnh nhân được chuyển từ Hòa Bình về đêm 29.5.
“Đây là sự cố y khoa không ai mong muốn. Tôi gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Bây giờ phải ưu tiên tiếp tục cứu chữa người bệnh”, GS Tiến chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, 100 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình sẽ chuyển về Hà Nội để tiếp tục lọc máu chu kỳ. Đến thời điểm này, Bệnh viện Thận Hà Nội đã nhận 30 bệnh nhân. Còn các bệnh nhân còn lại sẽ chuyển về các bệnh viện khác, cả trung ương và Hà Nội, để tiếp tục lọc máu.
GS Tiến cho biết, trước mắt nguyên nhân vẫn còn phải đợi để các chuyên gia thận nhân tạo, hồi sức, hội đồng khoa học của Bộ Y tế ghi nhận các xét nghiệm để xác định nguyên nhân.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch, hiện tại có 10 bệnh nhân hoàn thành quá trình lọc máu, chỉ số sinh tồn bình thường. Còn 2 bệnh nhân hồi sức nặng đang được tập trung bằng mọi phương tiện, kể cả thuốc đặc biệt quý hiếm của Bệnh viện Bạch Mai mang lên.
“Chúng tôi tính nhiều khả năng xảy ra và cũng không khẳng định được nguyên nhân nào. Bệnh nhân hiện tại cần gì, chúng tôi điều trị cách đó. Đây là chuyện hy hữu. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức cho các bệnh nhân”, bác sĩ Nguyên nói.
TS Đào Xuân Cơ, phó Trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho hay 10 bệnh nhân đánh giá tạm thời ổn định.
Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện tại đã có 6 bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ trong lúc chạy thận.
No comments:
Post a Comment