Trong khi nhiều diễn viên của Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ đổ xô đến Việt Nam để quảng bá phim, giao lưu thì “sao” Việt lại ít có cơ hội làm điều tương tự
Mới đây, “sao” của phim “Cô dâu 8 tuổi” là Avika Gor đã đến TP HCM tham gia các hoạt động từ thiện, giao lưu và nhận được sự chào đón của giới truyền thông lẫn người hâm mộ. Không chỉ Ấn Độ, nhiều “sao” của Thái Lan, Hàn Quốc cũng từng đến Việt Nam với nhiều hình thức, hoạt động khác nhau.
Thiệt thòi
Sau Avika Gor, 4 diễn viên: Siddharth Shukla, Avinash Mukherjee, Roop Durgapal và Aasiya Kazi sẽ tới Việt Nam trong tháng 7 này để tham gia hoạt động cộng đồng, gặp gỡ truyền thông, người hâm mộ ở TP HCM và Hà Nội. Trước họ, một số diễn viên nổi tiếng của Thái Lan như: Mario Maurer, được biết đến qua phim “Tình người duyên ma”; Golf Pichaya, phim “Tình yêu không có lỗi, lỗi tại bạn thân” cũng đến Việt Nam. Trong đó, Mario Maurer có lượng lớn khán giả hâm mộ tại đất nước hình chữ S. Mỗi khi anh chàng này sang Việt Nam, người hâm mộ ra tận sân bay chào đón, tổ chức các hoạt động chúc mừng. Riêng với “sao” Hàn Quốc, việc họ đến Việt Nam biểu diễn, quảng bá sản phẩm… và nhận được sự chào đón “cuồng nhiệt” từ khán giả không còn là chuyện mới.
Việt Nam dần trở thành điểm đến của các “sao” trong khu vực nhưng bản thân “sao” Việt lại ít có cơ hội xuất ngoại, mở rộng hoạt động. Đây là một thiệt thòi, nhất là đối với những diễn viên có tài năng và nhan sắc không thua kém “sao” ngoại. Lý giải thực trạng này, nhiều nhà sản xuất cho biết phim Việt khó bán, nước ngoài họ không mua. Nếu nhà sản xuất tự thân tổ chức đưa diễn viên xuất ngoại giao lưu với bên ngoài thì phải chi nhiều tiền nên không thể thực hiện. Hiện chỉ một vài phim điện ảnh bán cho các rạp phục vụ người Việt ở hải ngoại là tổ chức được vài buổi giao lưu nhưng chủ yếu với Việt kiều.
Đạo diễn Tường Phương cho rằng điện ảnh Việt chưa đủ sức hút để các nước trong khu vực nghĩ đến, mời sang giao lưu. Bollywood của Ấn Độ nổi tiếng từ lâu, có nhiều phim đoạt Oscar. Nền điện ảnh Hàn Quốc hay Philippines cũng được biết đến nhiều trên thế giới chứ không gói gọn trong khu vực. Diễn viên Ngọc Ánh chia sẻ: “Phim Việt không được giới thiệu ra nước ngoài nhiều, khán giả bản xứ không biết thì chuyện được mời giao lưu là không thể. Phim Ấn Độ, Thái Lan… được nước ta mua về chiếu, khán giả đón nhận nên các kênh truyền hình mời giao lưu là hợp lý. Đây là điều đáng buồn cho diễn viên Việt Nam”.
Theo diễn viên Ngọc Lan, việc tổ chức giao lưu ở nước ngoài không phụ thuộc vào diễn viên, đó là công việc của nhà sản xuất, phát hành. “Tôi không buồn bởi có chạnh lòng cũng đâu giải quyết được điều gì bởi đây là thực trạng chung. Tôi chỉ cố gắng thể hiện tốt vai diễn của mình, góp phần tạo ra sản phẩm tốt, phục vụ khán giả” - Ngọc Lan tâm sự. Diễn viên Trịnh Kim Chi cũng nói do độ lan tỏa của phim Việt chưa bằng các nước trong khu vực, chưa hấp dẫn để họ bỏ tiền mua về chiếu.
Hợp tác
Điện ảnh Việt tuy non trẻ so với các nước trong khu vực nhưng cũng sản xuất được khá nhiều phim, từng tạo dựng thế hệ thần tượng mà khi nhắc tên là khán giả nhớ đến như Việt Trinh, Lý Hùng, Diễm Hương… Một thời, điện ảnh Việt cũng hợp tác cùng Hồng Kông, các nước khác cho ra sản phẩm được đánh giá cao trong khu vực. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, việc xây dựng thần tượng ngay tại thị trường trong nước không hề dễ dàng. Đạo diễn Nhâm Minh Hiền nhận định thời của Việt Trinh, Lý Hùng... số lượng phim ít, diễn viên cũng không nhiều nên khán giả không có sự chọn lựa. Còn nay, số lượng phim rất nhiều, không chỉ phim “nội” mà còn có cả phim nhập nên khiến khán giả bối rối.
“Diễn viên trẻ ngày nay muốn tạo dấu ấn trong lòng khán giả phải nỗ lực gấp nhiều lần ngày trước. Nhưng tôi tin nếu họ cứ nỗ lực, nhất định sẽ thành công. Một số diễn viên trẻ như Ngọc Lan, Thanh Trúc, Huỳnh Đông, Nhã Phương, Miu Lê, Lan Ngọc… đã tạo được sự chú ý nhất định” - đạo diễn Minh Hiền nói.
Theo nhà biên kịch Châu Thổ, Giám đốc sản xuất của Sena Film, kinh phí đầu tư phim truyền hình của Việt Nam hiện còn thấp nhiều so với các nước trong khu vực. Vì thế, nếu muốn phim phát triển hơn để xuất ngoại, mở đường cho diễn viên có độ lan tỏa xa vẫn là vấn đề của… tương lai. “Còn hiện tại, chúng ta nên tăng cường hợp tác với các nước khác, đầu tư sản xuất phim chất lượng để có thể ra mắt ở cả hai quốc gia, khi đó diễn viên Việt Nam sẽ có cơ hội sang nước bạn giao lưu, giới thiệu” - một đại diện nhà phát hành chia sẻ.
Ở phim truyền hình, Việt Nam cũng đã hợp tác sản xuất với nước ngoài bắt đầu từ phim sitcom “Lẵng hoa tình yêu” đến “Mùi ngò gai”, “Người cộng sự”, “Khúc hát mặt trời”. Thành công nhất trong các phim này là “Tuổi thanh xuân”, kết hợp giữa VFC (VTV) và Tập đoàn giải trí và truyền thông CJ&M (Hàn Quốc), với cặp đôi Nhã Phương - Kang Tae Oh. Hiện phim đang quay phần 2. Khi đóng phim này, phía Hàn Quốc đưa Kang Tae Oh sang Việt Nam giao lưu và ngược lại Nhã Phương cũng được mời sang Hàn Quốc.
Với điện ảnh, việc xuất ngoại còn mang tính cục bộ, chỉ chiếu thương mại tại các cụm rạp phục vụ người Việt hải ngoại. Nhưng điều này cũng sẽ được cải thiện nếu hợp tác hoặc mua bản quyền làm lại phim mà thị trường phổ biến thời gian này là Hàn Quốc. “Do chi phí đầu tư phim điện ảnh của Hàn rất cao nên khó hợp tác, tốt nhất là mua bản quyền rồi làm lại phim của họ. Phía Hàn Quốc thường chỉ lấy 3%-5% phí tác quyền nên đây là cách làm khả thi” - biên kịch Châu Thổ nói.
Nỗ lực đưa phim Việt xuất ngoại Mới đây, Hãng phim Lasta đã đưa dàn diễn viên: Như Phúc, Thúy Diễm, Lương Thế Thành, Thanh Thức, Băng Di sang Myanmar dự họp báo ra mắt phim truyền hình Việt Nam trên sóng Myanmar. Hãng phim Lasta trở thành đơn vị sản xuất phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam được Myanmar lựa chọn mua phim và phát sóng khung giờ vàng. Ba phim được mua gồm: “Nghiêng nghiêng dòng nước” (đạo diễn: Nam Quan), “Trả giá” (đạo diễn: Đinh Đức Liêm) và “Sương khói đồng hoang” (đạo diễn: Nguyễn Dương). Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Hãng phim Lasta, cho biết đơn vị sẽ tiếp tục có những buổi thương thảo để giới thiệu các dự án phim đến với nước bạn. |
No comments:
Post a Comment