Bệnh nhân điều trị tại BV K 2
Ăn sướng để chết à?
Đó là câu cửa miệng của ông Vũ Duy Huấn trú tại Đông Hưng, Thái Bình khi ông bị phát hiện ung thư trực tràng. Bà Ngô Thị Xiêm vợ ông Huấn tâm sự từ khi biết mình bị ung thư 3 tuần qua, đã nhập viện nhưng ông Huấn vẫn kiên quyết không ăn gì nhất là những đồ có nhiều chất và sữa.
Khi vợ và con tẩm bổ, ông lại bảo “ăn sướng để chết à” và ông kiên quyết không ăn. Ông ăn kiêng đủ thứ vì vào viện nghe mọi người nói ăn nhiều không tốt làm cho khối u lớn nhanh hơn và quyết tâm nhịn để khối u ung thư nhịn luôn và nó sẽ chết khi không còn thức ăn. Ông nghĩ với cách đó ông sẽ diệt được bệnh.
Thân hình gầy chưa nổi 40 kg của bà Nguyễn Thị Lựa trú tại Phú Thọ là bệnh nhân của bệnh viện K2, Tứ Hiệp, Hà Nội. Bà Lựa bị ung thư phổi và để chiến đấu với bệnh cách của bà là không ăn gì, kiêng tất cả chỉ ăn tý cháo trắng cầm hơi. Gần 1 tháng sau, đến khi bị suy kiệt không chịu được nữa con cái mới đưa bà xuống bệnh viện K để điều trị giảm đau, kéo dài thêm sự sống cho bà.
Kiêng khem đủ thứ đó là lý luận của rất nhiều người về bệnh ung thư, theo đó "càng ăn sướng càng nhanh chết". Ngay cả các bậc phụ huynh cũng muốn những đứa trẻ không may mắn mắc ung thư cũng phải ăn kiêng.
Chị Hoàn trú tại Thanh Trì, Hà Nội chăm con bị K võng mạc cũng không dám cho con uống sữa vì sợ tế bào ung thư phát triển sẽ cướp đi đứa con bé bỏng của chị nên chị cho bé ăn rất dè dặt và kiêng khem. Chị Hoàn kể một lần cho con ăn trứng vịt lộn, chị bị một bà mẹ khác kêu ăn thế để con chết à vì trứng vịt lộn nhiều đạm làm bệnh ung thư phát triển nhanh. Nghe những bà mẹ cũng có con bị ung thư truyền tai nhay như thế nên chị cũng kiêng khem cho con.
Nhiều lần bác sĩ mắng nhưng chị vẫn không tin vì rất nhiều người đã chết vì ăn nhiều trứng vịt lộn, sữa, đường.
Gần đây, tế bào ung thư háo đường là câu chuyện mà rất nhiều người bệnh truyền tài nhau và họ tuyệt nhiên không đoái hoài gì đến các loại thực phẩm chứa đường từ bánh kẹo, đường sữa cho đến thực phẩm nào giàu đường.
Nên ăn như nào
GS Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương chia sẻ tại hội thảo “hiểu đúng về bệnh ung thư”, ông cho rằng quan điểm bị ung thư phải ăn kiêng là hoàn toàn sai lầm.
Giáo sư Đức cho biết rất nhiều bệnh nhân hỏi ông về chuyện ăn kiêng để chữa bệnh, nhưng không phải như thế.
Nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng cơ bản của tế bào ung thư cao hơn tế bào bình thường. Nhưng khi bệnh nhân ung thư không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, tế bào ung thư vẫn tự lấy năng lượng để phục vụ nhu cầu hoạt động của chúng.
Bên cạnh đó khi không được nhập thức ăn, bản thân cơ thể cũng lấy protein để tạo năng lượng. Hậu quả là khối nạc cơ thể bị suy giảm nhanh chóng, dinh dưỡng của cơ thể bị tế bào ung thư lấy đi khiến cơ thể người bệnh bị suy kiệt có thể chưa chết về bệnh ung thư mà chết vì suy dinh dưỡng.
Tại khoa Khám bệnh của Bệnh viện K trung ương, bác sĩ ghi nhận rất nhiều bệnh nhân thực hiện ăn kiêng và đến khi vào viện chỉ còn da bọc xương các bác sĩ phải điều trị liệu pháp dinh dưỡng trước cho bệnh nhân khi bắt đầu điều trị các biện pháp can thiệp đến bệnh ung thư.
Theo GS Đức, bất kỳ bệnh ung thư nào bệnh nhân cũng phải đảm bảo khẩu phần ăn đủ chất từ chất đạm, chất béo đến chất xơ, chất khoáng. Đối với quan niệm ăn thịt bò, thịt màu đỏ làm tế bào ung thư phát triển cũng không hẳn đúng nhưng người bệnh không nên ăn nhiều nhất là những người có bệnh lý khác kèm theo như bệnh cao huyết áp… hạn chế ăn các chất mỡ. Đủ dinh dưỡng nhưng phải cân đối không nên ăn quá nhiều, không nên ăn quá ít.
No comments:
Post a Comment