Báo động tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên
Con số thực tế lớn hơn rất nhiều
Trao đổi về tình trạng nạo phá thai, có con ngoài ý muốn của trẻ vị thành niên, ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình cho biết, tỷ lệ vị thành niên mang thai ở nước ta những năm gần đây có xu hướng giảm dù vẫn tương đối cao. Cụ thể, năm 2010 chiếm 3,24%, năm 2014 là 2,78% và đến năm 2015 thì giảm xuống còn 2,66%. Xu hưởng giám tương tự cũng thấy ở tỷ lệ phá thai trong độ tuổi vị thành niên.
“Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em năm 2010 cả nước có 470.000 ca phá thai, trong đó hơn 9.000 ca là vị thành niên. Con số này năm 2015 là hơn 5.500 ca trong số gần 280.000 ca phá thai. Bên cạnh đó, trong tổng số ca đẻ năm ngoái thì có hơn 42.000 ca là vị thành niên, chiếm hơn 3,5%” – ông Dương chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Dương thì đây đều là con số được thống kê từ hệ thống y tế công, chưa kể con số ở các cơ sở y tế tư nhân. Với tâm lý e ngại, nhiều trường hợp lựa chọn đến các cơ sở y tế tư nhân. Vì thế con số thực tế có lẽ sẽ lớn hơn rất nhiều.
Theo điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần gần đây nhất vào năm năm 2009 thì tỷ lệ nạo phá thai ở vị thành niên trên tổng số ca đẻ ước tính khoảng 20%. Thực trạng đáng buồn trên một phần do các em chưa được cung cấp kiến thức về giới tính, tình dục. Đa phần cha mẹ còn ngại nói về chủ đề được coi là nhạy cảm này. Việc dạy sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính mới chỉ được lồng ghép vào các môn học theo “kiểu cưỡi ngựa xem hoa”.
Tước quyền làm mẹ
Các chuyên gia cũng cảnh báo, việc mang thai ở tuổi vị thành niên để lại những hệ lụy và hậu quả nặng nề do các bà mẹ nhỏ tuổi còn quá trẻ, thể chất và tinh thần chưa phát triển để sẵn sàng làm mẹ.Riêng những trường hợp nạo phá thai nhỏ tuổi cũng dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản cũng như di chứng suốt đời.
Ths. BS sản phụ khoa Phạm Thị Thanh Phương cho biết điều nguy hiểm hơn là các em giấu bố mẹ tự đi hút thai ở những cơ sở không y tế, không đủ điều kiện thực hiện thủ thuật này thì sẽ phải đối diện với tình trạng xuất huyết; thủng rách tử cung, sót nhau thai, viêm dính vòi trứng.
“Phá thai không an toàn có thể gây ra xuất huyết, nếu không được giải quyết kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Phá thai không chỉ gây chảy nhiều máu, để lại sẹo mà còn gây ảnh hưởng tới khả năng mang thai sau này như dễ sảy thai, đẻ non... Ngoài ra, nếu chẳng may bị sót nhau thai sẽ gây ra rong huyết, tử cung không co lại, nếu không can thiệt kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ” – BS Phương nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc nạo hút thai rất dễ nhiễm trùng nếu người thực hiện không cẩn thận, các dụng cụ làm thủ thuật không được tiệt trùng cẩn thận. Điều này gây tắc nghẽn, viêm tắc vòi trứng, dính buồng tử cung... khiến các bạn nữ khó có thai trở lại, thậm chí là dẫn tới vô sinh.
“Mang thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai, tảo hôn, kết hôn cận huyết là vấn đề lớn mà trẻ vị thành niên nước ta đang phải đối mặt. Lứa tuổi 10-19 hiện chiếm khoảng 15% dân số, tương đương 14 triệu trẻ vị thành niên”- ông Dương nhận định.
TS Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS- KHHGĐ cho biết trẻ em gái vị thành niên trên khắp thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa. Theo số liệu toàn cầu, trong năm 2015, số trẻ em kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi cao nhất rơi vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với 59 triệu em; tiếp sau là Đông Á và Nam Á… Bên cạnh đó, mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái tại các nước đang phát triển độ tuổi từ 15-17 sinh con; ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15-19 là 3,2 triệu ca. Tự tử và biến chứng thai sản là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái từ 15-19 tuổi…Những số liệu này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các nước trên thế giới về tình trạng tảo hôn của trẻ em gái vị thành niên. |
No comments:
Post a Comment