Như tin đã đưa, những ngày qua việc chị Hà Thị H. (SN 1987), trú tại thôn La Khê, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang (Hải Dương) gửi đơn đến các cơ quan chức năng phản ánh bản thân bị giả mạo chữ ký, giấy tờ khi đang lao động ở nước ngoài, từ đó TAND huyện Ninh Giang ban hành Quyết định ly hôn đồng thuận giữa chị và chồng là anh Hà Văn T. (SN 1982).
Để rộng đường dư luận và giúp bạn đọc có thêm thông tin nhiều chiều, PV đã trao đổi với anh T. (chồng chị H.) về vụ việc trên.
Gian nhà 2 vợ chồng chị H. sinh sống. Ảnh: Đ.Tùy
Anh T. cho biết: “Tôi là người trực tiếp làm đơn ly hôn nhưng là đơn ly hôn đơn phương và mang nộp cho TAND huyện Ninh Giang kèm theo các giấy tờ liên quan có công chứng. Sau đó, tòa hẹn tôi xuống lấy quyết định thì tôi mang quyết định về.
Sau khi cô H. về nước và cho rằng chữ ký trong hồ sơ ly hôn là giả mạo thì tôi không biết. Vì người ta đi nước ngoài 1 năm hay 2 năm, nhưng đôi khi có việc vẫn về nhà chơi bình thường.
Còn đơn tôi mang đến TAND huyện là đơn đơn phương. Tôi tự công chứng, tự nộp các giấy tờ liên quan cho tòa. Giờ nói có 2 hay 3 người ký tôi không quan tâm vì tôi không biết chuyện đó. Riêng lời cô H. nói, có thể đúng, có thể sai.
Vợ chồng tôi khúc mắc, trục trặc từ trước khi cô H. đi nước ngoài. Bên cạnh đó, cô ấy còn thách thức, chửi bới tôi, nhưng trong cuộc sống vợ chồng cả hai đều có sai, có đúng. Khi không ở được với nhau thì giải thoát cho nhau là chuyện bình thường.
Quyết định ly hôn của TAND huyện Ninh Giang giữa chị H. và anh T. Ảnh: Đ.Tùy
Tôi nghĩ rằng, tòa án là đơn vị chuyên nghiệp, nên khi tôi mang đơn xuống không ai tòa đi ký hộ cô H. cả. Còn chuyện cô H. về nước hay như thế nào thì tôi không biết. Thậm chí, khi cô ấy về gặp TAND huyện nói gì tôi cũng không hay, sau đó tòa mới gọi tôi xuống làm việc.
Tôi vẫn khẳng định, khi nộp đơn, tôi đi một mình không có ai đi cùng. Còn ai ký vào phần của cô H. thì hai bên nói chuyện với nhau, tôi chịu, không quan tâm.
Lúc tòa hỏi anh có đưa ai xuống ký không, tôi trả lời là không vì khi tôi nộp đơn ly hôn đơn phương thì tôi đưa cho người khác ký làm sao được, kể cả tôi có đưa người khác đến cũng không thể ký được vì tòa phải kiểm tra CMTND. Trong khi đó, nếu người nào không có phận sự thì cơ quan không bao giờ cho vào phòng.
Do nhìn thấy tôi đi ở ngoài đường với một cô gái nên tòa hỏi người kia là ai, tôi bảo cô ấy là bạn nhưng không vào cơ quan. Thậm chí, hôm tòa gọi tôi về, tôi cũng đi với 2 người nữa là con gái lớn và tài xế taxi. Còn bây giờ có chữ ký của cô H. thì chí ít các anh bên tòa phải nhìn xem người đó có phải là cô H. hay không, làm sao tôi mang người nào để giả danh được.
TAND huyện Ninh Giang, nơi đưa ra quyết định ly hôn giữa chị H. và anh T. Ảnh: Đ.Tùy
Tòa xử như thế nào thì do tòa án chứ bản thân tôi biết thế nào là đúng, là sai. Tòa hẹn tôi ngày nào đến lấy kết quả thì tôi đến lấy. Giấy tờ của tôi hợp lệ, tôi có bạn gái mới thì phải kết hôn với người ta.
Tôi không cần biết là ai sai, bây giờ xảy ra trục trặc như tòa nói (có chữ ký của cô H, thì bây giờ cô H. cãi không phải chữ ký của mình) thì có thể để nguyên hồ sơ ly hôn đó, không thì hủy làm ly hôn lại. Hiện tại, tôi có 2 đứa con thì mỗi người nuôi một đứa. Nếu cô H. còn đi nước ngoài thì cô bàn giao cho tôi, khi nào cô ấy về thì đón, thế là xong.
Tôi chỉ nói ngắn gọn như vậy, còn giải quyết thế nào là do tòa. Vì thực chất, tôi và cô H. không còn tình cảm từ trước khi cô ấy đi nước ngoài. Do tôi đầu tư làm kinh tế nhưng thua lỗ rồi dẫn đến vợ chồng trục trặc, khi mâu thuẫn lớn lên thì ly thân mỗi người một nơi .
Thực ra, tôi định đợi cô H. về nước rồi mới ly hôn, nhưng cô ấy thách tôi ly hôn nên tôi làm ngay.
Hộ chiếu của chị H. được Cục quản lý xuất nhập cảnh cấp ghi rõ ngày về nước lần đầu tiên 16/7/2018. Ảnh: Đ.Tùy
Bản thân tôi nộp đơn ly hôn đơn phương, còn tòa xử thế nào tôi không biết. Tòa nói hôm này xuống lấy kết quả thì tôi xuống và bảo ký vào phần của tôi, khi ký xong cầm quyết định ly hôn tôi về. Còn chữ ký của cô H. tôi không biết, cũng có thể cô H. về và cũng có thể ai ký thay.
Khi 2 vợ chồng tôi trục trặc và ly hôn, tôi có nói với cô ấy và gia đình tôi có biết. Cho nên, từ khi cô H. đi nước ngoài có gọi điện về hỏi thăm con nhưng tôi không bao giờ trả lời điện thoại và không nói chuyện.
Trước khi sang nước ngoài làm việc, cả 2 vợ chồng tôi có nợ tiền nhưng tôi không đồng ý trả nợ chung mà chia đôi. Số tiền tôi vay của anh trai tương đương số tiền cô H. vay của em trai (chênh nhau một vài chục triệu). Cho nên, người nào nợ ai thì có trách nhiệm trả người đó.
Ảnh cưới của chị H. và anh T. Ảnh: Đ.Tùy
Cô H. nói gửi tiền về cho tôi, tôi tuyến bố thẳng, không bao giờ nhận số tiền đó, cho nên cô ấy gửi cho bố chồng trả nợ hộ, riêng 2 người con tôi nuôi đến khi cô ấy về nước. Còn bây giờ tòa xử tôi được quyền nuôi 2 người con vì cô ấy ở nước ngoài làm sao nuôi được.
Hiện tại, xảy ra trục trặc ở tòa án (phần chữ ký cô H.), tôi nói thẳng, nếu vậy thì xử lại, còn không thì cô H. mang đơn hiện tại xuống tòa thay đơn cũ của tôi thế là xong. Sau đó mỗi người nuôi một con, nhưng nếu 1 trong 2 người đi nước ngoài thì phải bàn giao con lại cho người ở nhà và khi nào về thì đón".
Trao đổi với PV, chị H. thông tin, ngày 30/7, TAND tỉnh Hải Dương đã mời chị đến làm việc và ghi nhận sự việc cũng như mong muốn của bản thân. Sau đó, tòa án ghi biên bản và bàn giao cho chị biên bản làm việc hôm đó.
No comments:
Post a Comment