Câu chuyện về bà Cấn Thị Ngần (57 tuổi, thôn Độ Lân, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) nén nỗi đau thương mất con, trong giây phút khó khăn nhất bà đã quyết định hiến tạng con trai là anh Trịnh Đình Vàng cho những bệnh nhân đang cần cứu gấp vào những ngày tháng 7/2016 vẫn chưa phai mờ trong ký ức của nhiều người.
Ngày 27/7 vừa qua là giỗ đầu của anh Vàng, căn nhà từ lâu vắng tiếng nói cười của anh Vàng nay trở nên ấm áp hơn bởi sự có mặt của những người lạ, đó chính là 5 bệnh nhân may mắn nhận được tạng của anh Vàng. Họ hẹn nhau về nhà bà Ngần trước là thắp cho ân nhân nén nhang và sau là phân vai xem ai là anh, ai là chị, ai là em để tiện bề xưng hô và chăm sóc mẹ Ngần.
5 bệnh nhân đang mang trong mình những phần cơ thể của con trai bà Ngần về thăm mẹ và thắp cho ân nhân một nén nhang.
Một năm sau ngày mất của anh Vàng, căn nhà bà Ngần đang ở giờ đây cũng có chút đổi thay. Căn nhà mà mấy tháng trước còn để nguyên vữa trát nay đã được thay bằng lớp sơn màu vàng sáng sủa, lớp sơn ấy được chính tay 5 người con mang trong mình một phần cơ thể của anh Vàng cùng góp sức sửa sang cách đây không lâu. Bà Ngần cũng đã thôi phải đi làm giúp việc.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về cuộc sống hiện tại của mình, người đang mang một quả thận của con trai bà Ngần, chị Trần Thị Hậu (Lạng Sơn) cho biết chị bị suy thận từ năm 2008. Suốt 10 năm liền chị không thể đi đâu xa bởi luôn phải gắn liền với máy chạy thận, những ngày tháng bệnh tật khiến chị chán nản vô cùng. May mắn đã mỉm cười với chị và gia đình khi nhận được thông tin ghép tạng. Hơn 1 năm sau ngày ghép thận, cuộc sống của chị Hậu trở nên có ý nghĩa hơn.
Bà Ngần cảm thấy được an ủi phần nào.
Chị Hậu bộc bạch: “Hiện tại, cuộc sống của tôi cảm thấy thoải mái hơn, được tự do khi không phải lúc nào cũng bên máy chạy thận. Tôi có thể đi xa mà không cần phải lo lắng. Theo lịch hẹn tôi chỉ cần xuống Hà Nội tái khám là được. Để có sức khỏe như ngày hôm nay, tôi vô cùng biết ơn mẹ Ngần”.
Cũng theo lời tâm sự của chị Hậu trong ngày giỗ đầu của con trai bà Ngần, chị Hậu đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời với ước muốn khi mình không còn trên cõi đời này nữa sẽ góp một phần nhỏ cho xã hội.
Chị Nguyễn Thị Thụy (Chương Mỹ, Hà Nội), người nhận một bên giác mạc còn lại của anh Vàng cũng không giấu nổi niềm vui, sự xúc động: “5 anh em cùng gặp mặt nhau tại nhà mẹ Ngần, dù không chung một dòng máu nhưng thấy thân thiết như ruột thịt. Có mẹ Ngần mới có chúng tôi ngày hôm nay, nếu một năm trước mẹ không quyết đoán thì có lẽ giờ này, tôi vẫn phải sống trong bóng tối và bị những cơn đau hành hạ”.
Sau những phút giây nghẹn ngào, bên mâm cơm sum họp bà Ngần xúc động nói: “Con tôi mất đi nhưng giờ đây tôi thấy được an ủi khi có thêm những đứa con, thêm những đứa cháu. Đối với tôi, tiền của lớn thật nhưng sức khỏe của con người mới là vốn quý nhất. Tôi chẳng có ước mong nào hơn là mong nhìn thấy các con khỏe mạnh, như vậy là tôi đã mãn nguyện lắm rồi”.
Một quyết định sáng suốt Bà Cấn Thị Ngãi (Chị gái bà Ngần) cho biết thêm: “Những ngày cháu tôi cấp cứu trong bệnh viện và khi nghe em gái quyết định hiến tạng con mình cho những bệnh nhân đang cần, cả họ hàng tôi đều phản đối một cách kịch liệt. Thậm chí khi ấy có những người không thân thiết còn nói em gái tôi là một người mẹ nhẫn tâm. Bởi phong tục tập quán, văn hóa của người Việt đã ăn sâu vào tâm thức của họ. Cho đến ngày hôm nay, tôi nhận thấy quyết định của em Ngần là quá sáng suốt”. |
No comments:
Post a Comment