Rước họa vì tự ý chữa quai bị cho con
Chị Hoàng Thị Ngát (30 tuổi, ở Vĩnh Phúc) hiện đang rất lo lắng vì con bị bệnh quai bị, biến chứng viêm tinh hoàn. “Tôi chỉ lo sau này con bị vô sinh thì ân hận cả đời”, chị Ngát chia sẻ.
Theo chị Ngát cách đây khoảng 10 ngày, con trai chị là cháu Bùi Mạnh Hưng (5 tuổi) có biểu hiện bị sưng quai hàm. Lúc đầu chị nghĩ đơn giản con đang đến tuổi thay răng, nhưng qua quan sát thì thấy có nhiều biểu hiện giống bệnh quai bị.
“Lo lắng quá tôi đưa cháu đi khám bác sĩ ở phòng khám gần nhà. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị quai bị, cần phải theo dõi thêm, nên cho con nghỉ học, hạn chế chạy nhảy.
Sau khi dùng tổ tò võ chữa quai bị, con chị Ngát bệnh càng nặng thêm.
Nhưng do tôi bận đi làm cả ngày, gửi cháu đến lớp có dặn cô nhưng hôm nào về nhà cũng thấy cháu nhễ nhại mồ hôi. Trong khi đó phần quai hàm gần mang tai cháu ngày càng sưng to, nhìn lệch hẳn mặt”, chị Ngát kể lại.
Thấy con đau nhức, chị Ngát sốt ruột gọi điện về quê cho bà ngoại, được bà mách lấy dịch của giun đất bôi vào là khỏi.
“Bà cẩn thận đi xe từ Vĩnh Phúc mang dịch giun đất xuống cho cháu bôi, nhưng 2-3 hôm vẫn không đỡ. Sau đó bà lại đổi mẹo khác, đó là dùng tổ tò vò, trộn với nhựa cây duối và mật ong thành một loại dung dịch dẻo hỗn hợp đắp lên mang tai cháu, nhưng vẫn không có biến chuyển gì.
Chiều ngày 14/8, tôi tắm cho cháu thấy một bên tinh hoàn của cháu sưng to và đỏ, tôi đưa cháu vào bệnh viện kiểm tra. Tại đây các bác sĩ cho biết cháu đang có biểu hiện viêm tinh hoàn”, chị Ngát nhớ lại.
Bệnh quai bị tuy lành tính, nhưng vẫn có những biến chứng nguy hiểm.
Sau khi điều trị tại viện được 1 tuần, cháu Hưng đã được đỡ hơn, nhưng chị Ngát vẫn đau đáu nỗi lo sau này con bị vô sinh.
Hãy đến bệnh viện vì bệnh dễ nhầm lẫn
Ths.BS Nguyễn Đình Liên - chuyên khoa Ngoại – Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, quai bị là căn bệnh do vi rút nhóm ARN thuộc họ Paramyxovirut gây ra.
Bệnh lây trực tiếp bằng đường hô hấp qua tiếp xúc giữa người bệnh và người lành. Bệnh do vi rút nên bệnh có thể tự khỏi.
“Bản chất của điều trị bệnh quai bị dù theo y học cổ truyền hay Tây y vẫn là nghỉ ngơi, hạn chế vận động, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Vấn đề ở đây là người bệnh có thực sự bị quai bị hay bị một bệnh khác dễ nhầm lẫn với triệu chứng quai bị như u hạch dưới hàm, tắc ống tuyến nước bọt…”, BS Liên cho hay.
Hãy tiêm vắc xin cho trẻ đúng lịch để phòng bệnh quai bị.
Thực tế, BS Liên đã từng gặp trường hợp bệnh nhi bệnh quai bị tự điều trị ở nhà. Đến ngày thứ tư của bệnh, người nhà cho đi khám thì phát hiện con bị xoắn thừng tinh chứ không phải bệnh quai bị. Điều đáng tiếc là bệnh nhi này đã phải cắt bỏ tinh hoàn.
Riêng vấn đề dùng y học cổ truyền để chữa bệnh quai bị, BS Liên cho rằng trong y học cổ truyền có những bài thuốc điều trị bệnh quai bị có hiệu quả, nhưng những bài thuốc này chỉ phù hợp với những trường hợp bệnh nhẹ, được phát hiện sớm.
“Bài thuốc y học cổ truyền được áp dụng đơn giản nhất, có hiệu quả, không độc hại là đốt cháy hạt gấc, giã nát hòa với dấm ăn, bôi nhiều lần vào góc hàm 2 bên; chú ý tránh để dung dịch vào mắt.
Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý các bài thuốc dân gian khi đắp hay bôi vào vùng mang tai cần đảm bảo rõ nguồn gốc, vô khuẩn, vệ sinh cho trẻ”, Thạc sĩ Liên lưu ý thêm.
Những trường hợp mắc bệnh quai bị, đặc biệt là khi đã ở giai đoạn muộn, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não…
Thời tiết hiện tại đang rất lý tưởng để vi rút gây bệnh quai bị phát triển. Do đó, khi thấy trẻ có biểu hiện đau, sưng đỏ mang tai, đau vùng dưới hàm, tốt nhất phụ huynh cần đưa trẻ đến khoa truyền nhiễm để được khám và điều trị đúng cách, tránh gây biến chứng và nhầm lẫn.
No comments:
Post a Comment