Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chị Nguyễn Thị Xuân ở (41 tuổi, ở Quốc Oai – Hà Nội) không nghĩ rằng ấu trùng lại có thể vào và làm tổ trong cơ thể chị. Không những thế nó còn bò lổm ngổm dưới da, khiến chị không khỏi hoang mang.
“Tôi cũng nghe nhiều về những loài ấu trùng giun, sán xâm nhập vào cơ thể người. Nhưng đó là những người hay ăn đồ tái, đồ sống mới bị. Còn tôi, ở làng quê nghèo cả năm có biết bát phở tái là như thế nào đâu thế mà cũng mắc bệnh”, chị Xuân nói.
Hình ảnh ban đầu ấu trùng chỉ là vết đỏ như muỗi đốt, sau đó càng gãi ấu trùng càng "chạy". Ảnh: NVCC.
Đang nằm điều trị nội trú tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, chị Xuân kể lại thời điểm phát hiện ấu trùng bò dưới da với vẻ sợ hãi: “Cách đây 15 ngày, tôi thấy ở tay mình có vết đỏ như bị muỗi đốt. Lúc đầu tôi chỉ gãi và không để ý gì. Đến hôm sau vết đỏ ban đầu vẫn còn, nhưng có cảm giác như có vật gì di chuyển dưới da với vệt dài hơn.
Đến ngày thứ 3 thì vết di chuyển càng dài hơn, lo lắng quá tôi đi khám thì được bác sĩ kết luận bị ấu trùng bò dưới da và chuyển về viện này điều trị”.
Theo chị Xuân, trong 3 ngày điều trị, ấu trùng vẫn bò lổm ngổm dưới da, sau đó thì xẹp dần và đến bây giờ vẫn còn hơi ngứa, nhưng vết bò không còn kéo dài nữa.
Hình ảnh ấu trùng chạy ra khắp cẳng tay khi bắt đầu dùng thuốc. Ảnh: NVCC.
“Có lẽ những hôm đầu dùng thuốc, con ấu trùng bị tác động vào nên nó bò nhanh hơn. May mắn, đến nay không còn xuất hiện thêm những nốt mới nữa”, chị Xuân nói.
Trong thời gian ở viện điều trị bệnh ấu trùng bò dưới da, chị Xuân tranh thủ xét nghiệm nước tiểu, phân và tiến hành siêu âm ổ bụng để kiểm tra tổng thể.
“Thật bất ngờ, khi tôi kiểm tra thì phát hiện ngoài bị ấu trùng bò dưới da, tôi còn nhiễm giun đũa chó mèo. Thế là thời gian ở viện của tôi lại kéo dài thêm một hơn 10 ngày nữa”, chị Xuân nói.
Sau hơn 10 ngày điều trị vết ấu trùng bò không còn đỏ mà đã teo dần.
“Bác sĩ nói tôi bị ấu trùng bò dưới da là do chân tay xước xát, sau đó tiếp xúc với đất nên bị ấu trùng xâm nhập vào. Còn giun đũa chó mèo là do nhà nuôi chó mèo, hoặc ăn rau sống, tiếp xúc với các nguồn có trứng của loài ký sinh trùng này”, chị Xuân kể lại.
BS. Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, tại viện thỉnh thoảng lại gặp một số trường hợp bị ấu trùng di chuyển dưới da.
Theo BS Thọ, những người nhiễm ấu trùng là do thường xuyên tiếp xúc với đất có ấu trùng và những đường ngoằn nghèo đó không phải là hình thù con ấu trùng mà là đường hầm do ấu trùng di chuyển tạo ra.
Loài ấu trùng thường gặp khi di chuyển dưới da là ấu trùng giun lươn. Đây là loài có chu kỳ tự nhiễm nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời.
Cũng giống như các bệnh ký sinh trùng khác, bệnh giun lươn rất khó chẩn đoán vì biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, phong phú.
Đặc biệt, giun lươn còn là tác nhân gây nhiễm trùng cơ hội, bộc phát mạnh trên cơ địa suy giảm miễn dịch, có thể dẫn đến tử vong.
Để phòng căn bệnh này, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có vết xước xát trên tay, chân không nên tiếp xúc trực tiếp với đất. Khi lao động nên có đồ bảo hộ để phòng tránh các loại ấu trùng xâm nhập vào cơ thể.
No comments:
Post a Comment