Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ đến khám vì các bệnh lý hô hấp cũng tăng rất nhanh so thời điểm này năm trước.
Chưa hết nỗi lo vì sốt xuất huyết đang đỉnh dịch, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ đến khám vì các bệnh lý hô hấp cũng tăng rất nhanh so thời điểm này năm trước.
TS.Nguyễn Thị Út, Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết, trong tổng số 2.500 - 3.000 trẻ khám/ngày, quá nửa là bệnh lý về hô hấp như sốt virus, ho, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Bác sĩ Trần Thị Thu Hương, Phó Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, từ đầu năm đến nay có 177 ca sốt xuất huyết. Trong vòng 1 tháng gần đây, mỗi ngày Khoa tiếp nhận từ 20-30 ca/ngày.Về triệu chứng, cả hai bệnh sốt xuất và viêm não đều có triệu chứng sốt cao và có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn.
Riêng sốt xuất huyết có triệu chứng kèm theo là đau nhức khá rõ, đau cơ, đau hốc mắt và biếng ăn. Bên cạnh đó là triệu chứng biếng ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng. Rõ hơn nữa là chảy máu răng và xuất huyết dưới da.
Ngoài ra, số trẻ tính đến ngày 30/7, viêm não có 239 ca, viêm não Nhật Bản 23 ca.
Đối với viêm não Nhật Bản, ngoài sốt cao thì ảnh hưởng đến thần kinh khiến người bệnh lừ đừ, nhức đầu, nôn ói, co giật. Các triệu chứng này sẽ xảy ra trong 3 ngày đầu.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, BS Nguyễn Thành Nam, Trưởng Khoa Nhi cho biết, mấy ngày gần đây, số trẻ đến khám tăng đột biến. Mỗi ngày có khoảng 500 cháu đến khám, trong đó quá nửa là số trẻ mắc bệnh hô hấp. Đa phần trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
BS Nam lý giải, thời tiết miền Bắc nắng mưa thất thường, tạo điều kiện cho virus xâm nhập. Hơn nữa, cơ thể trẻ rất khó thích nghi với sự thay đổi đột ngột này.
Ngoài ra, lúc thời tiết nóng, trẻ ra vào đột ngột trong điều hòa cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị viêm đường hô hấp.
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng cho biết, năm nào cũng vậy, 7, 8, là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp. Trẻ ho, sốt vào viện khám rất nhiều, đặc biệt là sốt virus.
Các bác sĩ phải phân loại trẻ rất kỹ, chỉ những trẻ viêm tiểu phế quản, viêm phổi có suy hô hấp mới chỉ định nhập viện để tránh quá tải, còn các bệnh hô hấp khác đều điều trị ngoại trú. Không ít trường hợp, có trẻ vừa điều trị viêm phổi 1 tuần, đang chuẩn bị xuất viện lại bị sốt, khám lại đã bị viêm tiểu phế quản phổi.
Nhiều trẻ bị viêm phổi, điều trị gần được ra viện lại sốt virus hoặc mắc kèm bệnh viêm đường hô hấp trên nên kéo dài thời gian nằm viện.
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, nếu trẻ không có biểu hiện về bệnh, phụ huynh không cần nhỏ nước muối suốt. Bởi bình thường mũi đã có cơ chế tự làm sạch. Nhưng với trẻ đang bị viêm mũi, dùng nước muối biển để xịt là một biện pháp trợ giúp mũi đẩy sạch vi khuẩn khỏi mũi họng và với trẻ chưa biết xì mũi. cần dùng hút mũi 2 đầu để hút dịch mũi ra.
Chuyên gia cũng cảnh báo phụ huynh tự đặt khí dung cho con tại nhà bởi đường ống khí dung nếu không được tiệt trùng như bệnh viện. Đó là ổ nhiễm khuẩn khiến bé ốm. Bên cạnh đó khí dung có thể gây những phản ứng bất ngờ khiến bé ngừng thở.
Các chuyên gia khuyên cha mẹ cần phải cho trẻ ăn thêm 1 bữa so với bình thường sau mỗi đợt ốm để nhanh chóng lấy lại cân nặng như bình thường. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, tăng cường rau xanh và hoa quả…
Chùm ảnh: Cha mẹ đưa con đi khám vì dịch bệnh hoành hành:
Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh khiến các bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép từ 2 đến 3 người một giường.
No comments:
Post a Comment