Bệnh nhân đến khám do đau mắt đỏ tại BV Mắt Trung ương tăng bất thường.
Ngày 16/9, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, do thời tiết thất thường, lúc nắng kéo dài, lúc lại mưa, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh bệnh đau mắt đỏ phát triển. Đây là một bệnh rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch.
Riêng Hà Nội, từ giữa tháng 8 đến nay, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ tăng vượt so với ngày thường.
Tại BV Mắt Trung ương, số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị chiếm khoảng 11- 12% tổng số bệnh nhân đến khám của toàn bệnh viện. Hiện, bệnh đau mắt đỏ vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Đặc biệt, những người đã từng bị đau mắt đỏ vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa.
Môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.
Bệnh đau mắt đỏ có biểu hiện chính là mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai. Triệu chứng thường gặp là mắt nhiều dử, mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ, đau nhức, chảy nước mắt, có người có thể mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai. Nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì sẽ gây khó khăn hơn trong điều trị.
BS Lê Xuân Thủy, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay; Cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguời bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt…; Dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối...
Khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ, người bệnh cần tuân thủ những điều sau: Lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại; Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn; Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đau mắt đỏ cần phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị, không đắp các loại lá vào mắt như lá trầu, lá dâu...
No comments:
Post a Comment