Anh N.Q.C (36 tuổi, làm nghề thợ hồ) người trùm mềm đỏ cho biết, trận mưa vào chiều 26.9 gây ngập khiến gần như toàn bộ quần áo của anh bị nước cuốn trôi và anh chỉ còn 2 bộ đồ. Trong ảnh, khi thấy có người phụ nữ ở phòng bên cạnh sang mượn dây sạc điện thoại, anh C vội trùm chiếc mền lên người vì không mặc quần áo. Hai bộ quần áo không bị nước cuốn mất, đang bị ướt nên được anh phơi.
Tối 28.9, nhiều căn nhà trên đường Lương Định Của (quận 2, TP.HCM) vẫn chìm sâu trong nước sau trận mưa lịch sử vào chiều 26.9. Nước ngập gần tới 1m, khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn hoàn toàn.
Ghi nhận, nhiều vật dụng, đồ điện tử tại các căn nhà ngập được người dân kê lên cao nhưng vẫn bị hư hỏng. Do nước ngập khắp nơi nên người dân chỉ ngồi một chỗ trên giường để ăn uống, sinh hoạt, xem tivi.
Phía ngoài đường Lương Đình Của nước vẫn còn lênh láng kéo dài 2km làm hàng loạt phương tiện chết máy.
Tại dãy nhà trọ (đoạn gần chân cầu Thủ Thiêm) bị nước vây kín. Tất cả phòng trọ đều bị ngập nước, phòng nhẹ nhất cũng 0,5m, phòng ngập nặng gần lút yên xe máy. Do bị nước ngập 3 ngày chưa rút nên nhiều người thuê trọ ở đây đành phải ăn mì gói thay cơm.
Nhiều dãy nhà trọ ngập gần lút yên xe máy vào khuya 28.9
“Nước ngập tứ bề thế này, nấu nướng được cái gì chứ, đi còn không được sao nấu ăn. Mỗi lần muốn mua cơm hộp phải lội nước đi bộ gần 1km nên thôi ở phòng trọ ăn mì gói. Ngày nay tôi đã ăn 3 cữ mì gói rồi”, anh Thắm (quê Kiên Giang) nói.
Cũng theo anh Thắm, do công việc của anh và những người bạn ở cùng phòng đều làm thợ hồ, trong khi mấy ngày qua trời mưa nên chủ thầu cho nghỉ làm, đành phải ngâm mình trong “bể bơi” ở nhà trọ.
“Nay nước đã rút bớt nhưng vẫn còn ngập tới lưng quần. Do chúng tôi đều là công nhân có hoàn cảnh khó khăn nên đành bấm bụng ở đây. Nhiều người có tiền đã dọn đồ đi nơi khác ở rồi, họ chấp nhận bỏ luôn tiền cọc vì sợ chập điện”, một thanh niên thuê trọ cho biết.
Trong khi đó, ở cuối dãy nhà trọ một phụ nữ tên Nhàn phải đặt thau trên ghế và ngâm mình trong nước bẩn để giặt đồ. Cạnh đó, 2 đứa con nhỏ của chị đang say giấc trên chiếc giường xếp được chất lỉnh khỉnh đồ đạc, quần áo.
Đến khuya 28.9, do không chịu nổi cảnh nước ngập nên nhiều người thuê trọ ở đây đành phải chốt cửa phòng tìm nơi khác ngủ qua đêm.
“Có nghe mấy anh em ở trọ tại đây nói ra gầm cầu Thủ Thiêm ngủ vì nhà trọ ngập. Nãy họ mang ba lô đi rồi nhưng có ngủ ngoài đó hay không thì tôi không biết. Tôi cũng đã khuyên họ nên thuê phòng trọ nào rẻ để ngủ”, chị Mười người dân địa phương cho biết.
Nước bủa vây khắp nơi khiến cuộc sống sinh hoạt người dân bị đảo lộn
Bé gái 7 tuổi cùng em trai 6 tháng tuổi đang say giấc trên chiếc giường xếp trong phòng trọ ngập nước.
Nhiều nhà dân trên đường Lương Đình Của bị ngập sâu sau 3 ngày ngập liên tiếp
Chiếc giường là nơi không ngập được người dân làm nơi ăn uống, ngủ nghỉ và cũng là nơi cho những chú chó đứng tránh nước
Vật dụng, đồ dùng điện tử được người dân kê lên cao để tránh bị ướt
Nhiều người dân ở Sài Gòn đã quá mệt mỏi vì phải liên tiếp 3 ngày sống cùng nước bẩn trong nhà
Anh Phan Văn Khang phải mua mì gói về ăn thay cơm vì nước ngập cả mét trong phòng trọ. Theo anh Khang, muốn ăn cơm hộp phải lội bộ trong nước trên đường cả km mới có chỗ bán nên anh mua mì gói ăn cho tiện.
Nhiều người không chịu được cảnh ngập nước liên tiếp 3 ngày nên đã đóng cửa phòng đi nơi khác ở. “Ở quê tôi mùa nước lũ cũng đâu ngập dữ như thế này. Giữa Sài Gòn nhộn nhịp phát triển mà lại có nước nổi như miền Tây quê tôi”, nam thanh niên nói.
Số đông vẫn bám trụ dãy nhà trọ trên đường Lương Định Của và chấp nhận sống chung với ngập nước
Việc ăn uống, sinh hoạt của người dân đều diễn ra trên gác vì phía dưới đã bị ngập nước. Theo người dân nơi đây, trong những ngày tới, nếu trời không mưa thì 3 ngày sau khu vực này sẽ rút nước. Còn mưa nữa thì ngập tới cả tuần.
Việc tắm rửa, giặt giũ bị đảo lộn từ khi nước ngập. Do nhà vệ sinh bị nước bủa vây nên những người thuê trọ ở đây phải ra ngoài đi vệ sinh “lộ thiên”
Chị Nhàn giặt đồ trong nước ngập. Bên cạnh chị đứng là chiếc giường xếp nơi hai con nhỏ chị đang say giấc trong “những ngày nước nổi ở Sài Gòn”.
No comments:
Post a Comment