30 năm sống cảnh “gà trống nuôi con”
Ở cái tuổi xế chiều, ông đi tìm hạnh phúc cho cuộc đời mình đã khiến không ít người bàn tán khi biết chuyện. Có người thì thông cảm động viên ông hạnh phúc bên bạn đời, bên cạnh đó cũng nhiều lời gièm pha, chê bai.
Năm nay, ông Kính bước sang tuổi 86. Da dẻ đã nhăn như một trái mơ khô, có những vết nhăn hằn sâu dấu tích của năm tháng. Ở ông có đôi mắt sáng, miệng nở nụ cười móm mém và nhăn nhúm. Ông kể về cuộc đời mình một cách hào hứng.
Hồi trẻ ông kết hôn với người phụ nữ cùng làng theo sự sắp xếp của gia đình. Mọi thứ êm đẹp, ông bà sinh hạ được 5 người con, 4 trai, 1 gái. Không ai có thể ngờ rằng, tai họa ập đến với gia đình ông khi người vợ ra đi vĩnh viễn vì căn bệnh hiểm nghèo. Bà mất khiến gia đình vô cùng đau xót. Vợ bỏ ông đi đột ngột, ông gồng gánh việc nhà, nuôi nấng 5 đứa con thơ đang tuổi ăn, tuổi học.
Ông Đàm Văn Kính (áo trắng) và con trai cả Đàm Văn Thọ trò chuyện với phóng viên. Ảnh: Ngọc Thi
Nuốt nỗi đau vào trong tâm khảm, ông sống cảnh "gà trống nuôi con". Kinh tế gia đình chả có gì ngoài mấy sào rộng. Bao năm ông sống cảnh bán mặt cho đất bán lưng cho trời nuôi các con khôn lớn. Suốt thời gian đó, ông không có tâm trí nghĩ đến việc đi bước nữa với một người phụ nữ nào.
Lớn lên, người con cả tham gia bộ đội, những người em thì ở nhà lo toan với công việc đồng áng cùng với bố. May mắn những người con đều thấu hiểu được tấm lòng của cha nên đã biết lo toan cho cuộc sống và thành đạt với những công việc riêng.
Cho đến khi ông dựng vợ gả chồng xong xuôi cho 5 gười con của mình. Lúc này, ông mới ấp ủ ý định tìm một người phụ nữ để có người bầu bạn tuổi già. Nói thì vậy, nhưng để tìm được người hợp với mình không hề dễ. Không ít người phụ nữ thấy ông chăm chỉ, có trách nhiệm với gia đình nên thầm thương, ngỏ ý muốn về kết bạn với ông nhưng ông không có tình cảm.
Chuyện tình mua rau
Trong một lần đi chợ Định, đi qua hàng rau ông ghé lại mua cây rau giống của một người phụ nữ khi đó trạc ngoài 40 tuổi. Ban đầu chỉ là việc mua bán bình thường nhưng nhận thấy ở người phụ nữ này có một điều gì đó có nét u buồn, thúc ông muốn lân la, tìm hiểu.
Qua trò chuyện ông Kính mới biết hoàn cảnh của người phụ nữ này. Bà ấy tên Đoàn Thị Thuận (SN 1961), quê ở Phúc Thọ, Hà Nội (Hà Tây cũ), đã ngoài 40 nhưng chưa một lần lập gia đình riêng. Những cuộc hội thoại ngắn trong lúc mua rau giúp cả hai hiểu hơn về nhau. Kể từ ngày quen biết bà, ông Kính thường lui đến chợ và hàng rau giống nhiều hơn.
Như tiếng sét tình ái của con trẻ, được gần một tháng ông ngỏ lời muốn cưới người phụ nữ này làm vợ. Ngày ông ngỏ lời muốn bà về sống bầu bạn với mình bên phía nhà bà có nhiều lời qua tiếng lại. Anh trai bà Thuận phản đối khi biết em gái quyết định gắn bó với một người hơn tuổi bố mình.
Hiểu được đức hy sinh cao cả của người cha, cả đời chỉ chăm lo cho con cháu, tất cả các thành viên trong gia đình đề ủng hộ việc cha tìm người yêu thương lúc tuổi già. Ông Đàm Văn Thọ, con trai cả của ông Kính cho hay: “Chúng tôi không những không phản đối mà còn khuyến khích thầy có người yêu thương. Cụ vừa có người bầu bạn, vừa có người chăm lo sớm tối, tinh thần lại thoải mái nên nhà tôi ai cũng mừng”.
Gia đình ông Đàm Văn Kính. Bà Thuận là người đầu tiên từ trái qua phải, áo khoác màu đen (ảnh gia đình cung cấp)
Nhưng rồi họ hàng nhà gái cũng thông cảm và tác thành cho cả hai. Tưởng rằng họ chỉ xin phép gia đình hai bên rồi về ở với nhau nhưng bên phía nhà trai quyết định tổ chức đám cưới, làm đầy đủ thủ tục như các cặp đôi thông thường. Ngày cưới cô dâu bẽn lẽn theo chú rể lọm khọm, râu tóc bạc phơ trước ánh mắt ngạc nhiên của bà con trong làng.
“Tình cảm đến với chúng tôi tình cờ lắm, mấy chục năm đằng đẵng nuôi con, tôi nghĩ mình cạn duyên rồi. Không ai có thể ngờ rằng tôi lại lấy vợ ở tuổi 76, vợ chỉ hơn 40. Trước đây cũng có nhiều người mai mối, có người chủ ý chấp thuận nhưng không cho tôi cảm giác ấm áp”, ông Kính chia sẻ.
Trải qua gần 10 năm chung sống, gia đình trên dưới hòa thuận. Tình cảm hai ông bà rất tốt. Hằng ngày, ông ở nhà cơm nước, phụ bà Thuận chăm sóc đàn gà. Còn phần bà, hằng ngày ra chợ bán mớ rau, quả cà kiếm thêm tiền sinh hoạt.
Ở cái tuổi 86, ông Kính khỏe mạnh, vui vẻ, bà con hàng xóm thường đùa ông, có vợ chăm sóc nên mới được như vậy. Nghe được những lời đó, cả hai ông bà đều mỉm cười hạnh phúc, họ trân trọng cuộc sống hiện tại của mình.
Phần bà Thuận, bà bảo, tất cả các thành viên trong nhà, từ bé đến lớn đều rất tôn trọng, yêu quý mình. Hiện tại, bản thân bà rất hài lòng với cuộc sống mình đang có, mặc dù “lệch” về tuổi tác nhưng chưa từng có mâu thuẫn lớn xảy ra.
No comments:
Post a Comment