Đó là chia sẻ của ca sĩ Lâm Chí Khanh (Lâm Khánh Chi) tại hội thảo định hướng xây dựng dự án luật chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 29-8.
Ca sĩ Khánh Chi cho biết bắt đầu từ năm 2005, cô đã ấp ủ ước mơ được chuyển giới. Thời gian đầu cô phải tiêm hormone mấy năm liền để thay đổi cơ thể, làn da.
“Mình làm con gái để làm gì? Vì tình yêu, ước mơ thì được chứ làm chơi thì thôi… vì rất đau đớn. Hồi đó Khánh Chi giải phẫu ở Thái Lan cứ bốn tiếng phải tiêm thuốc giảm đau một lần nhưng thuốc chỉ có tác dụng trong ba tiếng, một tiếng còn lại rất là đau. Em khuyên mọi người nên chia làm hai lần phẫu thuật: Lúc đầu làm ngực rồi ngưng một thời gian, sau khi lấy lại sức khỏe thì hãy giải phẫu tiếp” - Khánh Chi nói.
Ca sĩ Lâm Chí Khanh (Lâm Khánh Chi) hạnh phúc với thân hình là con gái.
Tại hội thảo, trả lời câu hỏi của nhiều bạn đồng tính liên quan đến chuyện tình yêu, cô ca sĩ Lâm Khánh Chi chia sẻ: “Lúc em chưa chuyển giới là con gái, em đã từng yêu người đàn ông nhưng tình yêu đó không hai chiều. Em yêu người ta, người ta chỉ thương em thôi… vì em chưa phải là con gái. Nhưng đàn ông rất coi trọng bộ phận sinh dục và con cái, còn em thì không đáp ứng được. Chính vì vậy là con gái, em sẽ hạnh phúc”.
Nhưng sau khi phẫu thuật, Khánh Chi cho biết sức khỏe cô yếu hơn (giảm 20%-30%), đi xe xa có cảm giác mệt. Trung bình một tuần tiêm hai ống thuốc mua từ nước ngoài, giá khoảng 200.000 đồng, làn da mới đẹp được. “Về "chuyện ấy", sau khi chuyển đổi giới tính không khó, vẫn bình thường, không có vấn đề gì xảy ra, em khẳng định 100%, tất cả mọi người chuyển giới đều như vậy” - Khánh Chi chia sẻ.
Ngoài ra, ca sĩ Khánh Chi còn cho biết sau khi chuyển sang hình hài là con gái, cô thấy giống như mình sinh ra lần hai, phải thay đổi rất nhiều để thích nghi như mặc đầm, mang giày cao gót,…
Ca sĩ Khánh Chi chia sẻ: Một người sau khi chuyển giới hoàn toàn quan hệ tình dục bình thường.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn: Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng người chuyển giới nhưng theo nghiên cứu của các tổ chức khoa học uy tín, tỉ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3%-1% dân số thế giới. Việc thu thập số liệu người chuyển giới gặp nhiều khó khăn do sự kỳ thị xã hội khiến người chuyển giới không thể hiện hoặc không công khai giới tính mong muốn của mình. Còn có trường hợp người chuyển giới tự nhận mình là người đồng tính. Thực tế cho thấy bản thân người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, việc làm, tiếp cận y tế, an sinh xã hội… Tính đến tháng 9-2015, có 61 quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ, trong đó có 38 quốc gia châu Âu (Anh, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha…), 11 quốc gia châu Mỹ (Mexico, Brazil, Argentina…), 10 quốc gia châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Phillipines…). Tại Việt Nam, năm 2015, khi Quốc hội thông qua BLDS 2015, trong đó Điều 37 đã quy định cho phép việc chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, BLDS không thể giải quyết những vấn đề cụ thể như điều kiện, cách thức chuyển giới, ai có quyền được chuyển giới, kỹ thuật chuyển giới, chăm sóc sức khỏe người chuyển giới như thế nào,… Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhân văn của hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến người chuyển giới, cần thiết xây dựng Luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo sự bình đẳng về các quyền, lợi ích hợp pháp của con người. |
No comments:
Post a Comment