(WebGiaDinh.org) Bệnh Alzheimer ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và người thân. Để biết bạn có nguy cơ không, hãy làm ngay việc đơn giản này.
Nhiều người vẫn nghĩ bệnh Alzheimer chỉ là mất trí nhớ, nhưng những ai chẳng may đã bị, hoặc có người thân bị bệnh này mới thấy nó đáng sợ đến mức nào: không còn ký ức, không nhận ra được người thân, bị hoang tưởng, ảo giác, mất khả năng tự lập nghiêm trọng, dẫn đến tử vong chứ không phải là một bệnh lão khoa thông thường.
Bệnh Alzheimer còn đáng sợ hơn ở chỗ nó ngày càng phổ biến nhưng cho đến nay vẫn chưa có cách chữa trị, chỉ có thể phòng ngừa và kiềm chế phần nào. Cũng như bất kỳ bệnh nào khác, chúng ta càng phát hiện sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đây thật sự là việc mang tính then chốt, ai cũng cần phải làm ngay tại nhà, nhất là khi có thể làm bằng một thử nghiệm đơn giản không ngờ, hầu như không tốn tiền và thời gian.
Thử nghiệm đơn giản bất ngờ nhưng cũng hữu ích bất ngờ. (Ảnh: Internet)
Người đã nghĩ ra và tiến hành những thử nghiệm được công nhận này là Jennifer Stamps - nhà thần kinh học tại Đại học Florida ở Gainesville: Chỉ cần dùng một ít bơ đậu phộng và một cây thước, người được thử nghiệm nhắm mắt, bịt từng bên lỗ mũi, hít thở bình thường sau đó cố gắng nhận biết một cách trung thực nhất mùi của miếng bơ đậu phộng đang được đưa dần gần hơn đến mũi của mình. Dựa vào khoảng cách người này nhận được mùi bơ mà ta xác định được nguy cơ.
Trong nghiên cứu và thử nghiệm của mình, Jennifer nhận thấy những người bị bệnh Alzheimer gặp khó khăn trong việc nhận biết mùi từ lỗ mũi trái. Nếu như ở lỗ mũi phải, họ có thể ngửi được mùi bơ đậu phộng từ cách 20cm, thì với lỗ mũi bên trái phải gần hơn đến 10cm. Nguyên nhân là vì các dây thần kinh sọ kiểm soát khứu giác ở những bệnh nhân Alzheimer bị ảnh hưởng.
Giảm khứu giác là một trong những dấu hiệu sớm nhất của bệnh, nên thử nghiệm này là cách lý tưởng để nhận ra từ sớm nếu chẳng may căn bệnh này xảy đến với mình. Và từ đó, chúng ta có thể có những cách để cải thiện chất lượng sống, có thêm được thời gian hơn khỏe mạnh ở bên những người thương yêu. Hãy thử ngay với bản thân và những người thân, bạn nhé, đặc biệt là bố mẹ, ông bà để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời nếu cần. Bạn cần chủ động làm việc này đấy, vì nhiều người vẫn nghĩ tất nhiên già rồi thì sẽ hay quên, giảm khả năng vận động, nhiều người già còn bị tâm lý sợ ảnh hưởng đến con cháu mà mặc cảm, che giấu các vấn đề khó khăn, khó chịu.
Nếu phát hiện thấy bản thân hoặc người thân chẳng may đã chớm có dấu hiệu, bạn có biết mình nên làm gì? Tất nhiên bạn sẽ lo, nhưng hãy cố gắng bình tĩnh để làm những việc sau đây:
Nếu người bị bệnh Alzheimer chính là bạn:
- Hãy lập một quyển sổ ghi đầy đủ những thông tin cần thiết (bao gồm tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ của chính bạn và người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm…)
- Giữ ảnh của những người thường gặp, có ghi chú về từng người;
- Dán nhãn cho các ngăn kéo, tủ đựng đồ để luôn biết được những đồ vật gì đựng trong đó;
- Nói chuyện với người thân để họ hiểu hơn về hoàn cảnh cũng như cảm xúc của bạn lúc này, qua đó bạn có thể tự mình giải tỏa được phần nào những ức chế cũng như nhận được những sự giúp đỡ cần thiết;
- Thu xếp các vấn đề tế nhị nhưng quan trọng, chẳng hạn như tài chính, hoặc chọn ai sẽ chăm sóc bạn khi bạn không còn khả năng tự quyết định;
- Cố gắng thư giãn đầu óc, ra ngoài trời, năng vận động và chăm sóc sức khỏe, chơi những trò chơi trí tuệ để đầu óc được hoạt động tích cực thường xuyên...
Nếu người bị là người thân của bạn, những việc cần làm cũng tương tự như trên, chỉ khác là bạn thực hiện ở vai trò hỗ trợ; chẳng hạn bạn giúp họ lập sổ thông tin, lưu giữ hình ảnh, dán nhãn đồ vật, thu xếp những vấn đề quan trọng… Trong khi làm những việc này, bạn rất cần chủ động trò chuyện, tâm sự để giúp người thân giải tỏa những ức chế, căng thẳng, thể hiện rõ rằng bạn sẵn sàng giúp đỡ và sẽ không bỏ mặc họ. Ngoài ra, bạn cũng cần tìm hiểu những thông tin cần thiết, những chuyên gia và trung tâm chuyên môn về bệnh Alzheimer có thể giúp đỡ bạn - vốn cũng đang rất hoang mang và bối rối.
(Theo Alz, Damn)
No comments:
Post a Comment