Saturday, February 27, 2016

Vị thiếu tướng ngành y thành công từ câu nói của người vợ

 Vị thiếu tướng ngành y thành công từ câu nói của người vợ - 1

Thiếu tướng Lê Năm trao đổi với PV 

Nghèo khó hun đúc ý chí vị Thiếu tướng ngành y

Gặp Thiếu tướng, GS.TS, thầy thuốc nhân dân Lê Năm, ấn tượng với tôi là nụ cười thân thiện, khuôn mặt phúc hậu và giọng nói điềm tĩnh nhẹ nhàng. Nhắc tới ông, mọi người thường gọi cái tên trìu mến “ông Năm chữa bỏng”.

Thiếu tướng Lê Năm sinh năm 1952 và lớn lên tại vùng quê nghèo ở Hồng Lộc – Lộc Hà – Hà Tĩnh. 

“Bố tôi tham gia kháng chiến chống Pháp, bị tù đày, tra tấn nên ốm đau liên miên. Cuộc sống gia đình lúc ấy chỉ phụ thuộc vào người mẹ mù lòa. Phận là con trai út trong gia đình, trên tôi còn có ba chị gái nữa nên tôi luôn tạo ra động lực giúp mình cố gắng. Một điều duy nhất cho đến tận bây giờ tôi hối tiếc nhất, đó là chưa báo hiếu được bố mẹ thì họ đã qua đời”, ông Năm điềm tĩnh kể.

Khi còn bé có tiếng chăm ngoan, học giỏi, ông quyết định chọn trường ĐH Thương Nghiệp (nay là ĐH Thương Mại). Đến năm 1972, ông cùng hàng nghìn sinh viên Hà Nội tình nguyện “xếp bút nghiên theo tiếng gọi của tổ quốc”.

"Đến năm 1973, tôi được chọn để thi lại đại học và theo tâm nguyện của người vợ trẻ Phạm Thị Trọng, đó là học ngành Y để cứu người, vì ở quê nhiều người nghèo khổ lại nhiều bệnh tật, thương lắm.

Với tôi, nếu như không có câu nói “Em thích anh học ngành y” của vợ, có lẽ ngày hôm nay tôi đang ở cương vị khác chứ không phải là gắn bó với Viện Bỏng Quốc gia" - Thiếu tướng Lê Năm chia sẻ.

Sau một thời gian dài công tác và cống hiến trong ngành Y, đến năm 2000 ông được tín nhiệm bầu làm giám đốc Viện Bỏng Quốc gia.

Vị thiếu tướng áo trắng tận tâm với người bệnh

Nhiều người trong ngành y đánh giá, Thiếu tướng, GS.TS, thầy thuốc nhân dân Lê Năm thực sự là một chuyên gia đứng đầu trong ngành bỏng Việt Nam. Ông vừa là thầy thuốc, vừa là thầy giáo hướng dẫn tận tình nhiều thế hệ sinh viên.

 Vị thiếu tướng ngành y thành công từ câu nói của người vợ - 2

Thiếu tướng Lê Năm cùng vợ khi còn trẻ.

“Vào năm 1999, Viện Bỏng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Dương (15 tuổi, ở Nghệ An) bị bỏng nặng. Qua vài ngày điều trị, gia đình đã trực tiếp gặp tôi để cảm ơn và xin đưa con về nhà vì sợ không qua khỏi. Nhưng với lương tâm của người bác sĩ, tôi thực hiện cuộc họp khẩn và bám sát bệnh nhân, khuyên gia đình cho bệnh nhân ở lại và qua 14 lần mổ, bệnh nhân đã hồi sinh.

Đến lúc này, bệnh nhân Nguyễn Văn Dương vẫn sống khỏe mạnh, có gia đình hạnh phúc và trở thành thợ sửa chữa điện tử giỏi trên mảnh đất Nghĩa Đàn, Nghệ An”, Thiếu tướng Lê Năm nhớ lại và kể.

GS.TS Lê Năm còn dạy cho rất nhiều thế hệ sinh viên để trở thành bác sĩ, điều dưỡng viên giỏi. Ông đã hướng dẫn cho 12 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ, 32 cao học và chuyên khoa II. Ngày nay, họ đã trưởng thành trên mọi miền đất nước.

GS.TS. Lê Năm có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học mang ý nghĩa áp dụng thực tiễn vào công tác khám và điều trị bệnh về bỏng. Trong 12 đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu, ông chủ nhiệm 7 đề tài lớn, trong đó có 2 đề tài cấp Nhà nước, 5 đề tài cấp Bộ.

Ngoài ra, GS.TS. Lê Năm cũng là tác giả của 8 đầu sách và 100 bài báo khoa học ở các Hội thảo Khoa học về bỏng ở trong nước cũng như ở thế giới như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Bỏng nói chung.

Ông còn là Thành viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Chuyên viên đầu ngành Bỏng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y, Chủ tịch Hội Bỏng Việt Nam. Một trong 6 cán bộ cấp cao của quân đội nhận Bảng vàng “Tri thức Tiêu biểu Việt Nam trên mặt trận kinh tế xã hội".

GS.TS. Đỗ Tất Cường - Phó giám đốc Viện 103 nhận xét: “GS. TS. Lê Năm làm được rất nhiều việc cho xã hội vì ông luôn có cái tâm và có cái tầm của người bác sĩ”. 

No comments:

Post a Comment