11h trưa, chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Dung (43 tuổi) tại thôn Thái An, xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Đây là nơi sinh sống của người phụ nữ một mình nuôi 3 con bệnh tật và mẹ già 80 tuổi.
Dưới gian bếp dột nát, cái Ánh (16 tuổi) vừa đun cố mớ rơm vừa réo các em chuẩn bị dọn cơm. Thằng út đang chơi bắn bi ngoài ngõ nghe thấy liền chạy về lấy chiếu trải xuống nền đất, còn bé Diệp (11 tuổi) xuống bưng nồi cơm giúp chị.
Mâm cơm vỏn vẹn bát canh rau nấu mắm và đĩa thịt lợn đặc mỡ là mỡ. Vậy mà, hai đứa nhỏ cứ xì xụp ăn một cách ngon lành. Thậm chí chúng không dám gắp thịt nhiều vì sợ bà và mẹ không có cái ăn...
Cái Diệp (11 tuổi) và thằng út (10 tuổi) nhưng bé nhỏ như học sinh lớp 1
“Hồi ấy tôi tỉnh táo đưa con chữa trị khắp nơi thì bây giờ không bất hạnh”
“Số tôi khổ nên các con cũng khổ sở theo. Tôi ước gì mình có sức khỏe tốt để làm lụng, kiếm tiền lo cho con một cuộc sống đủ đầy. Thi thoảng, tụi trẻ biết tôi mệt mỏi thường “nịnh”: “Chúng con ăn cơm rau và được ngủ cùng mẹ là hạnh phúc lắm. Sau này con lớn sẽ đi làm công ty đem tiền về đưa mẹ”. Nghe vậy, tôi lại càng cảm thấy có lỗi hơn vì sinh chúng ra đã không làm tròn bổn phận người mẹ”, chị Dung tâm sự.
17 năm trước, chị đem lòng cảm mến người đàn ông ở làng bên. Sau đó, chị trót dại mang thai nhưng người ta chối bỏ. Chị ôm bụng về xin cha mẹ tha thứ và cưu mang đứa trẻ chưa thành hình.
9 tháng thai nghén, chị vỡ òa hạnh phúc đón chào một bé gái xinh xắn, đáng yêu. Sau vài ngày, chị phát hiện đôi chân con không giống những đứa trẻ bình thường. Chị ngậm ngùi bế con lên bệnh viện tỉnh kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán Ánh mắc bệnh chệch xương háng, chân ngắn chân dài không thể chữa được.
Căn nhà 2 gian được lợp fibro ximăng: mùa nắng rất nóng còn mưa bão thì phải lấy chậu hứng nước mưa
“Tôi ít học lại kém hiểu biết nên bác sĩ bảo sao thì làm vậy. Tôi cũng không nghĩ đến chuyện đưa con bé lên tuyến trung ương khám lại. Giá hồi ấy tôi tỉnh táo đưa con chữa trị khắp nơi thì bây giờ nó không bất hạnh”, chị Dung bật khóc.
Con tật nguyền, người mẹ ấy rất đau đớn nhưng không dám kêu than với ai. Chị đành chấp nhận hiện thực và mạnh mẽ “đứng dậy” làm chỗ dựa cho cô con gái bé bỏng. Chị bảo cái Ánh sinh ra không có cha nên bằng giá nào cũng phải cho con cuộc sống ấm no.
Ánh đến tuổi đi học, chị Dung gửi cho mẹ già chăm nom rồi theo người làng vào Tây Nguyên làm rẫy trồng tiêu thuê. Hàng tháng, chị chắt bóp dành dụm đồng lương ít ỏi gửi về quê cho hai bà cháu.
Người phụ nữ “bạc mệnh” tần tảo nuôi 3 con
Năm 2006, chị Dung kết hôn với một người đàn ông xứ núi rừng và sinh được 2 đứa con, 1 gái 1 trai. Tổ ấm của họ luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Những tưởng chị đã có một “bến đậu” cho quãng đời còn lại, ngờ đâu chồng đổ đốn rượu chè, liên tục đánh đuổi vợ con. Chị không chịu được đã đem 2 đứa nhỏ ra Bắc sống cùng mẹ già và con gái đầu.
Chị Dung luôn trách cứ bản thân sinh con ra không làm tròn bổn phận người mẹ
Thời điểm đó cũng là lúc chị thấy đứa con gái thứ 2 - bé Diệp có biểu hiện bất thường ở mắt phải. Chị vay mượn tiền xóm giềng đưa con lên Bệnh viện mắt Trung ương kiểm tra và được kết luận đục thủy tinh thể phải mổ gấp. Đến giờ bé đã trải qua 2 lần phẫu thuật nhưng mắt vẫn không nhìn rõ, thậm chí còn ảnh hưởng đến khả năng nghe.
“Hôm trước, tôi vừa đưa con bé lên Hà Nội khám lại mắt. Bác sĩ bảo không thể phục hồi như ban đầu, chỉ có thể uống thuốc và cắt kính đeo. Tôi sợ không có đủ tiền mua kính ở bệnh viện nên về dưới thị trấn cho rẻ. Nào ngờ người ta cắt quá độ khiến nó vừa đeo vào đã choáng rồi nhất định không chịu mang”, chị tâm sự.
Mọi việc trong nhà lẫn chăm sóc 2 đứa nhỏ đều một tay Ánh lo liệu
Bản thân chị Dung mắc bệnh huyết áp cao, liên tục ngất xỉu nên không có công việc ổn định. Sau đó chị may mắn được tuyển vào vị trí phụ may ở một công ty gần nhà với mức lương 3,2 triệu/tháng. Số tiền đó chị chỉ đủ mua thuốc và đóng học cho 3 đứa con, còn ăn uống hàng ngày thì có gì ăn nấy. Vì vậy với bọn trẻ được ăn cơm trắng muối vừng hoặc thịt mỡ cũng cảm thấy sung sướng.
Chị kể: “Tôi cấy 2 sào lấy thóc ăn và trồng vài luống rau. Người ta cho tôi đợ ruộng trồng lúa kiếm thêm vài triệu nhưng làm gì có sức khỏe? Tôi cấy từng kia cũng không xong, phải kéo thêm cái Ánh đi cùng. Tội nghiệp con bé đi lại khó khăn mà vẫn “gánh vác” việc đồng áng”.
Năm học vừa qua, em đoạt giải nhất môn Lịch sử cấp huyện và được đặc cách vào lớp 10
Hàng ngày, chị Dung đi làm từ sáng sớm đến tối khuya mới về. Mọi việc trong nhà lẫn chăm sóc 2 đứa nhỏ đều một tay Ánh lo liệu. Dù vậy, em không bao giờ xao nhãng chuyện học tập. Năm học vừa qua, em đoạt giải nhất môn Lịch sử cấp huyện và được đặc cách vào lớp 10.
Các con chăm ngoan học giỏi, chị Dung cảm thấy an lòng và hạnh phúc. Nhưng từ trong sâu thẳm, người mẹ ấy lại lo lắng nhiều hơn bởi lũ trẻ càng lớn thì chi phí sinh hoạt, học hành tăng gấp bội lần.
“Sắp tới, 3 đứa vào năm học mới với nhiều khoản tiền phải đóng. Tôi không biết mình có lo nổi cho chúng hay không? Từ ngày đi học, chúng chưa bao giờ có một bộ sách giáo khoa mới, còn quần áo thì cứ mặc lại từ năm trước hoặc ai cho quần áo cũ thì xin lại”, chị Dung tâm sự.
Mọi sự giúp đỡ của mọi người xin gửi về địa chỉ chị Nguyễn Thị Dung, thôn Thái An, xã Quang Phục huyện Tứ Kỳ, số ĐT: 0162.927.8398 hoặc STK : 0341006975051, VietcomBank CN Tứ Kỳ, Hải Dương. |
No comments:
Post a Comment