Vượt qua những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, người vợ xinh đẹp trong vụ án chồng ôm mìn nổ để cùng chết ngày nào vẫn sống nuôi con trưởng thành. Dù sau vụ nổ chấn động ấy, chị mất một cánh tay, cánh tay còn lại cháy xém, gương mặt và cơ thể chằng chịt vết khâu vá…
Bình yên trở lại
Chiều thu nắng vẫn xiên gắt, quán nước nhỏ nằm ven đường vào Công ty Than Khe Sim (vùng mỏ Quang Hanh, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) khá đông khách. Ngoài những công nhân xóm mỏ, còn là những người qua đường biết hoàn cảnh nữ chủ quán ghé thăm, ủng hộ. Chủ quán là một người phụ nữ cụt một cánh tay, khuôn mặt chằng chịt sẹo, đến vành tai cũng sứt sẹo, không nguyên vẹn. Thế nhưng, chị luôn nở nụ cười với khách, dù nụ cười méo mó, giọng nói còn có phần khó khăn, ngọng nghịu.
Những người dân ở xóm mỏ này đều biết, nữ chủ quán nước ven đường tàn tật ấy là chị Trần Thị Mai (SN 1978, quê ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Chị là nạn nhân của một vụ án mạng khi người chồng vì ghen tuông, không muốn ly hôn đã ôm vợ, kích nổ mìn. Vụ nổ kinh hoàng đã khiến chồng chị chết tại chỗ, còn chị dù thoát khỏi cửa tử nhưng tàn phế, di chứng khắp người. Vụ nổ mìn chiều cuối năm (ngày 31/12/2014) ấy là thảm họa, biến chị thành tàn tật, cũng là dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân đầy nước mắt của chị.
Thời thiếu nữ, chị Mai nổi tiếng xinh đẹp, thảo hiền ở xã Tống Phan, huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Nhà nghèo lại đông con, nên chị Mai sớm nghỉ học đi làm thuê. Rồi chị quen biết với anh Nguyễn Văn Xuân (SN 1972), người cùng xã ở thôn bên. Trước sự theo đuổi quyết liệt của người đàn ông hơn mình 6 tuổi, năm 17 tuổi, chị đã gật đầu theo anh về làm dâu trong hoàn cảnh nhà chồng cũng nghèo khó, bố chồng đã mất, có tới 6 anh chị em.
Quán nước nhỏ của chị Mai ven đường vào khu mỏ Quang Hanh luôn đông khách
Sau đám cưới, chị Mai ở quê lo chuyện đồng áng, còn anh Xuân vẫn đi làm công ty than ở Quảng Ninh. Để vợ chồng gần nhau, anh Xuân chuyển cả gia đình xuống Quảng Ninh, anh vẫn làm than, còn chị đi buôn bán đồng nát, nhặt ve chai. Cuộc sống nghèo khó nhưng đầm ấm khi hai cậu con trai lần lượt chào đời, hai vợ chồng vay mượn mua được căn nhà nhỏ. Nhưng sau khi vay mượn chồng chất mua nhà, anh Xuân bỗng đổi tính, nghiện rượu, cờ bạc, nợ nần, cuộc sống luôn phát sinh mâu thuẫn.
Nửa tháng trước ngày xảy ra án mạng, anh Xuân lại đánh vợ và đòi chia nhà. Chị đành để lại nhà cho chồng ở, còn mình chuyển ra ở nhờ nhà em họ cũng ở Quảng Ninh và một tuần sau thì xảy ra án mạng.
Ngày 30/12/2014, chị về Hưng Yên dự đám cưới anh con bác họ thì thấy anh Xuân cũng bắt xe khách về theo. Đến trưa cùng ngày, lúc nhà gái chuẩn bị đón khách anh Xuân to tiếng đuổi đánh chị Mai, rồi bỏ về, đón xe ra Quảng Ninh. Chị Mai tối đó đã ở lại nhà mẹ đẻ ở xã Tống Phan. Sáng 31/12/2014, chị bắt xe về Quảng Ninh với con, về đến cổng nhà em họ thì thấy Xuân từ đâu chạy tới, kéo tay chị. Trong lúc hai vợ chồng giằng co, Xuân rút chốt mìn đã cài sẵn trong người. Quả mìn phát nổ khiến Xuân chết tại chỗ, còn chị Mai nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Vượt qua bi kịch
Sau 4 ngày hôn mê, chị Mai tỉnh lại, bàng hoàng thấy mình nằm trong bệnh viện, phải thở ôxy, không có cảm giác đau đớn. Mãi sau chị mới biết, chị đã bị chồng ôm mìn kích nổ, cánh tay trái của chị đã bị mất, một nửa gương mặt bị dập nát, phải trải qua nhiều lần phẫu thuật. Gia đình nhà chồng đến thăm nói rằng, đã lo đám tang cho anh Xuân chu tất, lúc này chị mới biết chồng đã chết.
“Những ngày tháng cơ cực ấy, tôi không thể nào quên, khi hai con còn nhỏ, tiền mua nhà còn nợ chồng chất. Nằm viện thêm 4 ngày kể từ lúc tỉnh lại, tôi phải xin rút ôxy về vì không còn tiền. Về nhà, tôi chỉ muốn lao đầu vào tường mà quyên sinh, vì không biết phải làm gì khi đối mặt với cái đói, cái nghèo, với tiền ăn học của con. Ngày trước, ngoài thu gom đồng nát, tôi còn thu dọn cơm cho học sinh, dọn vệ sinh, tối về còn thêu tranh bán. Nhưng bây giờ chỉ còn một cánh tay, nát một bên mặt, trên đùi, cổ, bụng chằng chịt mảnh đá vụn do mìn nổ găm vào đau đớn thì biết làm gì nuôi con”, chị Mai nghẹn ngào nhớ lại.
Vượt qua nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần, sự xấu hổ vì hình hài xấu xí, dị dạng sau tai nạn, nhưng vì con chị Mai quyết phải sống, phải làm việc. Hai tháng 10 ngày sau vụ nổ, chị dắt xe đạp ra khỏi nhà, tập đi xe đạp bằng một tay rồi vay tiền đi buôn trứng. Hai sọt trứng nặng, người bình thường chở đã khó khăn, chị chỉ có một cánh tay nên vấp ngã, trứng vỡ nhiều lần. Nhưng hàng xóm, công nhân khu mỏ biết chuyện thương tình mua trứng vỡ cho chị.
Chị đi bán trứng, trên đường có giấy vụn, chai lọ vứt đi chị nhặt gom lại về bán. Thấy vậy, nhiều gia đình cảm động đã thu gom đồ bỏ đi trong nhà cho chị. Thế là hai sọt trứng phía sau lại buộc thêm chai lọ đồng nát. “Tấm lòng trân quý, ấm áp của những người dân vùng mỏ đã nuôi sống mẹ con tôi những ngày cơ cực ấy”, chị Mai tâm sự.
Do di chứng của vụ nổ, chị Mai thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện, mỗi khi trái gió trở trời, những cơn đau khủng khiếp vẫn hành hạ chị. “Năm thứ ba đau nhức quá tôi phải đi mổ. Mổ xong vẫn đau tê dại hết tai và lan xuống gáy cổ. Vá màng nhĩ rồi nhưng tai không nghe được nữa”, chị buồn bã kể. Vùng cổ của chị không những bị cháy mà còn găm đầy đất đá do mìn nổ bắn vào. Chị phải trải qua 5 lần phẫu thuật cổ họng. Bụng và đùi cũng luôn đau nhức khi còn nhiều đất đá găm vào chưa lấy ra hết.
Đã 2 năm nay chị Mai không còn phải một tay đẩy xe trứng đi bán rong nữa, chị sống nhờ quán nước ven đường. Hàng ngày, chị dậy từ 5h sáng mở quán đến nửa đêm. Mọi công việc nặng nhọc đều dồn vào một cánh tay còn lại. Chị thoăn thoắt cạo mía, ép nước cho khách.
Để giúp chị thuận tiện bán hàng, một cơ sở sản xuất bánh bao nóng đã tài trợ cho chị lò ủ ngay tại quán. Tiền kiếm được ngoài trang trải, nuôi con, còn lại chị để dành chữa bệnh vì hàng tháng đều đặn phải tới viện hai lần. “Đời tôi gặp nhiều bất hạnh nhưng cũng gặp nhiều người tốt, được mọi người yêu quý giúp đỡ nên quán đắt hàng”, chị Mai mỉm cười.
No comments:
Post a Comment