Y Byen (28 tuổi, dân tộc Ba Na) sinh ra trong một gia đình nghèo ở ngôi làng Plei Piơm, thị trấn Đắk Đoa (Đắk Đoa, Gia Lai). Từ nhỏ, cô đã theo mẹ vào các bản vùng xâu vùng xa bán hàng kiếm tiền phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống, nhờ thế cô đã có cơ duyên gắn kết với đứa con trai đầu lòng.
14 tuổi làm mẹ của một bé trai bị dân làng ruồng bỏ
Năm 2004, trong lúc cùng bố mẹ vào chợ buôn bán cách nhà trăm cây số, Y Byen đã chứng kiến cảnh buôn làng chuẩn bị chôn sống đứa trẻ sơ sinh theo hủ tục “mẹ chết con phải chết theo”. Cô không kìm nổi cảm xúc thương xót đứa trẻ liền chạy tới bế rồi xin bố mẹ đem về nuôi.
“Người mẹ trở dạ nhưng không có điều kiện vào viện nên không qua khỏi, chỉ có đứa trẻ được cứu sống. Tuy nhiên chưa đầy 7 tiếng đồng hồ, bé bị dân làng đem đi chôn theo hủ tục.
Tôi đứng đó thấy đứa trẻ còn đỏ hỏn chẳng có tội sắp bị chôn sống đã chạy tới ẵm, xin về nuôi. Bố mẹ biết tôi muốn cưu mang đứa trẻ ấy nên đã bỏ hết đồ đạc, đưa hai mẹ con tôi trở về Plei Piơm”, Y Byen nhớ lại.
Y Byen là một cô gái xinh đẹp, hát hay và rất yêu thương trẻ nhỏ. Cô đã cưu mang một bé trai sơ sinh sắp bị chôn sống vì hủ tục lạc hậu
Y Byen đặt tên cho con là Y Song với ý nghĩa “Chúa trời cho” và xem đó như một món quà vô giá mà thượng đế ban tặng. Sau đó, cô lên xã làm thủ tục nhận nuôi đứa trẻ nhưng vì chưa đủ tuổi nên cô nhờ mẹ đứng ra hoàn tất giấy tờ pháp lý.
Hồi đó, cô đã hứa với mẹ rằng: “Mẹ cứ làm giúp con. Hết bao nhiêu tiền, con sẽ đi chăn bò thuê trả mẹ”. Cô bảo bố mẹ và anh trai cô cũng dành tình yêu thương Y Song hết mực. Thậm chí, họ còn coi đứa trẻ như cháu ruột của mình.
Cũng chính đứa trẻ chẳng máu mủ ruột già mà Y Byen nhận nuôi đã thay đổi cuộc đời của cô.
Y Song lớn lên nhờ những lon sữa bò và nước cơm trắng…
Những ngày đầu, Y Byen lóng ngóng không biết chăm sóc, cho con trai ăn gì (?). May mắn hàng xóm có 2 người mới sinh con nên hàng ngày cô bế Y Song qua nhà họ xin bú nhờ.
“Họ cho con mình bú những lúc dư thừa sữa, vì vậy, tôi đành phải nghĩ cách làm thế nào để có tiền mua sữa ngoài cho con ăn no. Tôi không dám nhờ bố mẹ giúp đỡ vì họ đã quá vất vả lại phải lo cái ăn cho nhiều người trong nhà.
Y Byen đặt tên cho cậu con trai của mình là Y Song (bé trai lớn) với ý nghĩa như một món quà vô giá mà chúa trời ban tặng
Sau thời gian suy nghĩ, tôi quyết định buổi sáng đi học, chiều về ẵm con, tối đi móc mủ cao su kiền tiền mua sữa. Cuối tuần, tôi cùng Y Song đi chăn bò thuê cho người ta với mức công 10.000 đồng/ngày. Tôi dành 6.000 đồng mua sữa bò, số tiền còn lại bỏ ống heo lo tương lai con sau này”, Y Byen tâm sự.
Nhìn con lớn lên nhờ những lon sữa bò và nước cơm trắng, thi thoảng cô gái Tây Nguyên rơm rớm nước mắt vì thương…Cô lại nhờ hàng xóm trông hộ con, tranh thủ đi mò cua bắt ốc về nấu cháo để bữa ăn có thêm chút dinh dưỡng. Cứ vậy, tuổi thanh xuân của Y Byen chỉ quanh quẩn mối lo cơm, sữa cho đứa con trai nhỏ.
Nhờ tình yêu thương của Y Byen, tiếng nói đầu tiên khi Y Song cất chính là “Mẹ…Mẹ ơi!”. “Tôi đã run lên vì hạnh phúc, thực sự rất cảm động. Từ ngày đó, tôi biết mình phải có trách nhiệm nuôi nấng, bảo vệ và xem con như con ruột.
Tôi truyền cho con niềm tin vào cuộc sống, dạy con cách làm người tốt, đặc biệt giúp con vượt qua những mặc cảm về quá khứ bị ruồng bỏ”, cô trải lòng.
Sau 10 năm cưu mang Y Song về nuôi dưỡng, cô gái dân tộc Ba Na tiếp tục “nhặt” thêm một bé trai sơ sinh mình đầy máu me quấn trong chiếc áo mỏng ngoài nghĩa địa.
Còn tiếp...
Mời quý đọc giả đón đọc kỳ 2 câu chuyện về tình mẫu tử đẹp đẽ của Y Byen vào lúc 0h ngày 17/7.
No comments:
Post a Comment