Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc làm 13 người chết và 4 người bị thương, trưa nay (31.7), ông Phạm Bá Chẩn (SN 1969, trú thôn Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) - người đứng tên chủ sở hữu chiếc xe rước dâu gặp nạn.
Ông Chẩn cho biết, chiếc xe khách BKS 75B-000.52 được ông mua từ một người ở TP.HCM. Sau khi mua, ông đưa xe về Huế làm thủ tục sang tên và đổi biển số xe. Chiếc xe này sau đó được ông Chẩn sử dụng để tham gia hợp tác xã vận tải có tên là Thành Công ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cô dâu khóc ngất trước sự ra đi của chồng sắp cưới.
Đến năm 2016, sau khi tham gia hợp tác xã khoảng 6 năm, ông bán lại xe cho anh Lê Ngọc Cường (cùng trú xã Phong Bình) với giá 228 triệu đồng để mua chiếc xe khác đời mới hơn. Trước khi mua chiếc xe của ông Chẩn, anh Cường làm nghề lái xe thuê. Khi dồn được một số vốn kha khá, anh Cường mua chiếc xe để ra làm ăn riêng.
Khi bán xe, giữa ông Chẩn và anh Cường đã làm giấy tờ mua bán với sự xác nhận của chính quyền địa phương. “Trong giấy tờ mua bán đã ghi rõ từ ngày 21.7.2016 quyền sở hữu chiếc xe 75B-000.52 là của anh Lê Ngọc Cường. Giấy tờ có chứng thực của Chủ tịch UBND xã Phong Bình” - ông Chẩn nói.
Theo ông Chẩn, sau khi bán xe, ông đã nhiều lần nhắc nhở anh Cường làm thủ tục sang tên đổi chủ sở hữu tài sản. Lần gần nhất khi ông nhắc chuyện này thì anh Cường nói đã sang tên người sở hữu xe. Cách đây gần 2 năm, ông Chẩn thấy anh Cường đổi màu sơn của chiếc xe từ màu bạc sang màu trắng.
Ngày cưới tại nhà cô dâu bỗng chốc tan tành vì gia đình chú rể gặp nạn.
“Lúc đó tôi nghĩ Cường đã làm thủ tục sang tên, bởi phải là người đứng tên chủ xe thì mới đăng ký đổi màu sơn được. Còn nếu xe vẫn do tôi đứng tên thì phải do tôi trực tiếp đăng ký xin đổi màu sơn thì cơ quan chức năng mới cho phép. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, tôi mới biết xe vẫn còn do tôi đứng tên trên giấy tờ” - ông Chẩn kể.
Ông Chẩn cho hay, nhà anh Cường chỉ cách nhà ông 300m và cùng là dân kinh doanh vận tải với nhau nên ông rất rõ về Cường. Ông tâm sự: “Cường là người rất hiền lành và cẩn thận trong mọi việc. Vụ tai nạn xảy ra là do Cường làm việc quá sức, cụ thể là đã thức trắng đêm để chở khách dẫn đến bị buồn ngủ khi cầm lái. Tất cả đều xuất phát từ việc Cường gắng làm việc để có tiền nuôi vợ và hai đứa con nhỏ”.
Hiện trường vụ xe rước dâu bị tai nạn thảm khốc khiến 13 người chết.
Ông Chẩn cho biết thêm, sau khi vụ tai nạn xảy ra, cơ quan công an nhiều lần liên lạc với ông để hỏi về vấn đề người sở hữu chiếc xe và ông cũng trả lời như ở trên. “Giờ Cường mất rồi, tôi không thể hỏi vì sao anh ấy không sang tên chủ sở hữu xe cũng như không đăng ký kinh doanh vận tải mà vẫn chở khách” - ông Chẩn nói.
Trước đó vụ tai nạn thảm khốc xảy ra lúc 2h15 ngày 30.7, trên tuyến QL1A đoạn qua thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 13 người tử vong, 4 người bị thương nặng. Xe ôtô gặp nạn đang chở gia đình chú rể từ xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào đón dâu tại Bình Định. Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, ôtô BKS 75B-000.52 chạy hướng Quảng Trị đi Bình Định khi đến địa điểm trên đã xảy ra va chạm với container đi chiều ngược lại BKS 51D-411.21, kéo theo rơ-moóc BKS 51R-215.75. Sau vụ tai nạn, 10 người đã tử vong tại chỗ, 3 người tử vong trên đường đến bệnh viện, trong đó có cả chú rể. |
No comments:
Post a Comment