Cách đây 1 năm, bé H.L. (6 tuổi, quê Tiền Giang) từng điều trị tại một phòng khám tư nhân do ho và nôn ói nhiều. Tuy nhiên bệnh của bé ngày càng nặng hơn.
Ngày 19/12 vừa qua, bé L. được gia đình đưa đến Bệnh Viện Nhi đồng 1, TP.HCM cấp cứu trong tình trạng ho, ói và sốt. Qua kết quả chụp X-Quang ngực, các bác sĩ đã phát hiện một chiếc bóng đèn led nằm ở khu vực đáy phổi bên phải, có thể sờ được bằng tay.
Ngay lập tức, bác sĩ tiến hành tìm cách nội soi để gắp dị vật ra khỏi phổi. Nhưng bóng đèn ăn quá sâu vào các mô nên bác sĩ không thể gắp dị vật ra theo phương pháp thông thường.
Các bác sĩ phải cắt bỏ thùy phải của phổi để đảm bảo lấy dị vật ra ngoài và xử trí triệt để ổ nhiễm trùng
ThS.BS Nguyễn Kinh Bang – Phó khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Dị vật đi vào đường thở rồi tiếp tục đến thùy dưới phổi phải. Hơn nữa, nó nằm ở đó suốt 1 năm khiến các mô xung quanh bám chặt vào dị vật. Nếu lấy ra rất dễ gây chảy máu và nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhi. Vì vậy, chúng tôi quyết định điều trị nhiễm trùng trước, sau đó mới tiến hành lấy dị vật ra ngoài”.
3 ngày sau nhập viện, bé L. được đưa vào phòng mổ nội soi. Lần này, kết quả cho thấy nhiều mủ đàm trắng đục quanh phế quản gốc, phân thùy phải và không thấy dị vật. Các bác sĩ tiến hành chụp CT ngực để xác định vị trí dị vật và phẫu thuật lấy ra ngoài.
Theo bác sĩ Bang, tình trạng nhiễm trùng của bé trai rất nặng, thậm chí thùy dưới phổi phải có một lỗ thủng. Vì vậy đành phải cắt bỏ thùy phải của phổi để đảm bảo lấy dị vật ra ngoài và xử trí triệt để ổ nhiễm trùng.
Hiện sức khỏe của bé L. đã ổn định. Dù vậy việc cắt bỏ một phần phổi của bệnh nhi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, dấu hiệu đầu tiên khi trẻ nuốt dị vật đường thở là ho sặc sụa và tím tái. Do đó, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ nhỏ để xử lý kịp thời.
>> Xem thêm: Hà Nội: Bé gái 2 tháng tuổi tử vong vì mẹ chủ quan tự chữa ho ở nhà
No comments:
Post a Comment