Đêm tân hôn kinh hoàng
Hơn 4 tháng kết hôn là từng đó thời gian chị H.A.M. (26 tuổi) bị ám ảnh với những kiểu quan hệ tình dục quái đản của chồng. "Đêm tân hôn, trong phòng riêng của hai vợ chồng kê một chiếc giường và một cái bàn làm việc, thế nhưng anh ấy lại chọn nơi "yêu" là chiếc bàn. Không những thế, trong hộc bàn anh ấy cũng chuẩn bị khá nhiều dụng cụ khiến tôi đau đớn. Tôi nghĩ đây không phải là đêm tân hôn ngọt ngào mà cuộc "hành tội". Chồng tôi dường như không thèm đoái hoài đến những lời kêu gào, van xin của tôi mà vẫn vẫn ép tôi phải hưởng ứng những "trò chơi" của anh ấy. Mỗi lần "quan hệ" với tôi là cảm giác kinh hoàng. Những lúc bình thường, tôi nói lại chuyện ấy thì chồng tôi lại xoa dịu và hứa hẹn sẽ không làm thế, tuy nhiên đến khi "lâm trận", mọi chuyện lại tái diễn. Nhiều lần nghĩ đến chuyện ly hôn nhưng lại sợ dư luận, sợ gia đình và bố mẹ. Tôi không biết giải thích thế nào để những người thân của mình hiểu và chia sẻ với tôi…"-chị M. chia sẻ câu chuyện của mình với bác sĩ.
"Yêu" bạo lực cũng được coi là dấu hiện không bình thường
Bác sĩ Hà Ngọc Mạnh, Giám đốc Trung tâm Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ (TP Hà Nội), cho biết cách đây không lâu, trung tâm đã cấp cứu và điều trị cho một phụ nữ trong tình trạng thủng cùng đồ, một chấn thương âm đạo xảy ra trong quan hệ tình dục. Bệnh nhân đến trung tâm trong tình trạng ra máu ồ ạt, đau dữ dội bụng dưới, choáng váng khó thở. Bệnh nhân cho biết trước đó chồng chị đã có những kiểu "quan hệ" thô bạo khiến chị đau đớn. Bác sĩ đã phải phẫu thuật khâu, cầm máu vùng thương tổn cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Mạnh, với tất cả những hành vi tình dục mà người bạn tình không đồng ý hoặc cố tình ép buộc theo hướng người nam giới (hoặc nữ giới) thích đều được coi là bạo dâm. Đây được coi là sự lệch lạc trong bạo lực tình dục. Người có xu hướng bạo dâm thường có hành vi bắt ép hoặc làm đau bạn tình và chính sự đau đớn của bạn tình tạo nên niềm hưng phấn của người đó. "Tình dục thường được coi là sự âu yếm, nhẹ nhàng của hai bên nhưng khi có hành động gây đau cho đối tác mà đối tác không đồng ý thì coi đó là bạo dâm. Khi người phụ nữ e sợ hoặc khi phụ nữ có cảm giác khó chịu, đau đớn mà vẫn bị quan hệ, bị cưỡng đoạt, khống chế, hoặc có những hành động trói chân, tay, gông, xích, bịt mắt… người bạn tình lại để có cảm giác mà không có sự đồng thuận của đối phương đều được coi là bạo hành tình dục"- bác sĩ Mạnh nói.
Nam giới cũng bị bạo hành tình dục
Theo một chuyên gia tâm lý, bạo hành tình dục là các hành vi bao gồm đánh đập để bắt đối tác quan hệ tình dục, sờ vào chỗ kín của người khác khi không được cho phép, dùng những lời lẽ tục tĩu, thô bạo để bắt người khác quan hệ, cho thuốc kích thích vào đồ uống của một người để dễ bề hành sự. Việc từ chối không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc bao cao su, ép sử dụng đồ chơi tình dục... cũng được tính là hành vi bạo hành chăn gối.
Theo bà Nguyễn Thu Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, phụ nữ, gia đình và vị thành niên (CSAGA), nỗi hổ thẹn, sỉ nhục về mặt thân xác và tinh thần khiến bạo lực tình dục càng khó khăn hơn khi đưa ra ánh sáng. Đồng thời, định kiến "vợ phải có nghĩa vụ chiều chồng" khiến chị em càng khó tìm được sự đồng cảm, giúp đỡ của bên ngoài, trong khi chị em cũng không nhận biết quyền của mình để đấu tranh. Do đó, phá vỡ sự im lặng, đánh tan định kiến mới giúp người bị bạo lực tình dục được trợ giúp. Chính vì vậy, trong nghiên cứu của CSAGA, có đến 83% chị em chấp nhận nỗi ám ảnh bị chồng tra tấn tình dục.
Theo một bác sĩ nam khoa, khi phụ nữ bị bạo lực tình dục không dám nói ra vì nghĩ rằng "xấu chàng hổ ai". Còn đàn ông bị vợ hành hạ không dám nói ra vì thấy tự hổ thẹn. "Thực tế, tôi đã từng điều trị cho một bệnh nhân nam gần 40 tuổi. Anh này giỏi giang, thành đạt, phong độ nên cô vợ canh cánh nỗi lo chồng mình bị người khác "nẫng" mất. Cô quyết phải "vắt kiệt" chồng, sao cho anh không còn có sức để đi "cày ruộng" khác. Ban đầu thì anh cũng hăng hái, nhưng chỉ sau một thời gian không lâu, anh xuống sức dần. Lúc này, cô vợ tỏ ra không bằng lòng, chì chiết. Đêm đến, cô vợ hết dụ dỗ lại dọa nạt, mà điều anh hãi nhất là cô ấy dọa sẽ công bố với... cả thế giới về cái sự "yếu kém" của anh. Dần dần, anh này lo sợ cộng thêm áp lực công việc khiến anh kiệt sức..." - vị bác sĩ này cho hay.
Bác sĩ Mạnh cho biết ranh giới giữa bệnh lý và hành vi lệch lạc rất gần nhau, nếu hành vi này kéo dài và luôn ám ảnh người đó thì có thể trở thành bệnh lý và đến một lúc họ sẽ không kiểm soát hành vi. Lý giải vì sao lại xảy tình trạng lệch lạch tình dục, bác sĩ Hà cho rằng có thể do lần đầu tiên người này là nạn nhân của việc bị xâm hại vào thời trẻ hoặc thời niên thiếu do phát triển tâm lý không tốt, nhưng chủ yếu là những đối tượng này gặp vấn đề về tâm lý. Để nhận diện người có lệch lạc tình dục vô cùng khó và phần lớn chỉ phát hiện sau khi lập gia đình hoặc quan hệ tình dục.
Theo các chuyên gia tâm lý, những câu chuyện về bạo hành tình dục không phải hiếm gặp trong cuộc sống vợ chồng. Một nghiên cứu về bạo lực với phụ nữ Việt Nam từng được thực hiện cho thấy có tới 34% phụ nữ từng bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ chịu bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần ít nhất một lần. Còn theo khảo sát của CSAGA năm 2012, hơn 37% phụ nữ được khảo sát cho biết họ bị ép quan hệ tình dục trong giai đoạn từ 1 - 3 năm chung sống cùng nhau; 60% phụ nữ cho biết buộc phải quan hệ tình dục ngay cả trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc lúc đang đau ốm. Thế nhưng, khi được hỏi, có tới 83% phụ nữ bị bạo lực chấp nhận và cam chịu, chỉ 13% chị em phản ứng quyết liệt và cương quyết cự tuyệt khi bị ép quan hệ. Rõ ràng, bạo lực tình dục vẫn thường được giấu kín đằng sau những cánh cửa gia đình.
No comments:
Post a Comment