Cô bé Gabby Gingras được sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Trong 4 tháng đầu đời, cô bé gần như không có bất cứ biểu hiện lạ nào. Chỉ cho đến khi bắt đầu mọc răng, cha mẹ của Gabby mới nhận thấy một vài hành động kỳ lạ.
Cô bé Gabby sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác.
Một lần, khi anh Steve, bố của Gabby đang xoa bóp nướu cho cô bé thì đột nhiên bị Gabby cắn một nhát mạnh vào tay. Anh rút ngón tay ra theo phản xạ tự nhiên thì một chiếc răng của Gabby cũng theo đó rơi ra. Điều ngạc nhiên là Gabby không hề tỏ ra đau đớn mà vẫn vui vẻ chơi đùa như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Đó mới chỉ là bắt đầu. Sau lần ấy, bố mẹ Gabby nhận ra cô bé có thể ăn bất cứ thứ gì. Gabby cho vào miệng nhai tất cả mọi thứ, từ những đồ chơi bằng nhựa, bìa sách cứng cho đến khi máu đầy miệng, thậm chí ngấu nghiến cả những đầu ngón tay của chính mình.
“Con bé ăn tất cả mọi thứ đơn giản như những chiếc bánh hamburger”, cô Trish, mẹ của Gabby nói.
Cha mẹ Gabby phải nẹp tay con lại để không gây nguy hiểm.
Kinh khủng hơn, Gabby còn tự nhai lưỡi của mình như nhai kẹo cao su, khiến bố mẹ cô bé phải nhổ hết răng để con mình không gặp nguy hiểm. Cô bé còn thường xuyên cào và chọc tay vào mắt khiến cho một bên mắt bị hỏng hoàn toàn và phải thay mắt giả.
Gabby phải thay mắt giả vì tự chọc tay làm mù mắt mình.
Quá lo lắng cho sức khỏe của con, Steve và Trish đã đưa Gabby đến gặp bác sĩ. Các chuyên gia đã kiểm tra toàn bộ các vấn đề sức khỏe cho Gabby, từ các bệnh chuyển hóa cho đến di truyền, nhưng sau nhiều tháng, họ vẫn không có câu trả lời cụ thể rằng Gabby mắc phải căn bệnh gì.
Quá bất lực nhưng không thể bỏ mặc con, cô Trish dành cả tuần để tìm kiếm câu trả lời trên internet. Một hôm, cô đột nhiên tìm thấy một số hình ảnh những đứa trẻ có ngón tay giống như con mình.
Cô bé phải đeo kính bảo hộ để không làm hỏng mắt nữa.
“Đó là lần đầu tiên chúng tôi nghe đến chứng bệnh thần kinh tự quản cảm giác di truyền hereditary sensory autonomic neuropathy (HSAN)”, anh Steve nói.
HSAN là một loại rối loạn di truyền rất hiếm gặp có ảnh hưởng đến dây thần kinh giác quan. Ở trường hợp của Gabby, các dây thần kinh giúp cảm nhận sự đau đớn và nhiệt độ môi trường đều không phát triển. Chính vì thế, Gabby không thể cảm nhận được bất cứ sự đau đớn nào cho dù nó có nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng, thậm chí là không nhận thức được hành động của chính mình. Cho đến nay, căn bệnh này vẫn chưa có phương thức chữa trị.
Căn bệnh kinh khủng đã khiến cho Gabby không thể có tuổi thơ bình thường như bao đứa trẻ khác. Cô bé phải chịu sự giám sát đặc biệt của bố mẹ và cả gia đình luôn nơm nớp lo sợ mỗi ngày. Gabby phải đội mũ bảo hiểm và đeo kính bảo hộ cả ngày. Có lúc, cha mẹ còn phải nẹp tay cô bé lại để bé không bị thương. Ngay cả khi đến trường, Gabby vẫn luôn có một phụ tá giáo viên đi kèm để theo dõi mọi hoạt động.
Các bác sĩ và chuyên gia đều không chắc chắn liệu Gabby có thể đạt đến tuổi trưởng thành và sống cuộc sống bình thường hay không. Thế nhưng, trải qua nhiều năm cùng cha mẹ chiến đấu với bệnh tật, Gabby giờ đây đã là một cô thiếu nữ vui vẻ, đáng yêu và tham gia các hoạt động như bao bạn bè khác.
Gabby giờ đây đã trở thành một thiếu nữ vui vẻ và tràn đầy niềm tin vào cuộc sống.
Mặc dù khả năng nhận biết nguy hiểm của Gabby đã tốt hơn trước, nhưng cô bé vẫn có thể khiến bản thân bị thương mà không biết gì. Bố của Gabby kể lại: “Có lần con bé đi học về và hỏi tôi, sao lưng con cứ buồn cười thế nào ấy. Tôi sờ vào thì thấy một cục u và cảm giác ấm ấm. Tôi đưa Gabby đi chụp X-quang và bác sĩ nói lung con bé đã bị gãy”.
Mặc dù vậy, bản thân Gabby vẫn luôn mong muốn có được một cuộc sống bình thường và tốt đẹp. Cô bé luôn nở nụ cười trên môi và tràn đầy lạc quan vào con đường phía trước: “Cháu luôn tự nhủ rằng bản thân mình là một người bình thường, mọi thứ đều ổn cả. Cháu có một gia đình tuyệt vời và những người bạn đáng yêu. Cháu sẽ không cho phép căn bệnh ảnh hưởng đến mình và sẽ sống một cuộc đời thật hạnh phúc”.
Cha mẹ của Gabby đã thành lập nên một tổ chức có tên “Gift of Pain” nhằm hỗ trợ cho những người mắc chứng HSAN. Cho đến nay, họ đã tìm và giúp đỡ được cho 39 người có hoàn cảnh tương tự.
No comments:
Post a Comment