Tôi không nói về trò quay rồi live lén trộm cắp bản quyền bởi đã quá nhiều. Tôi cũng chẳng bàn đến mục đích câu like vì nhan nhản rồi. Tôi chỉ muốn nhắc rằng cảm xúc của những con người bằng xương bằng thịt đang bị công nghệ và đại diện là smartphone đánh cắp nốt những gì ít ỏi còn lại.
Rất nhiều người trong chúng ta, đến rạp không chỉ để thưởng thức một “bom tấn” hay siêu phẩm. Trẻ hay sồn sồn như tôi cũng chẳng vào đấy xem xong rồi về. Ở đó chúng ta còn có những cảm giác mà dán mắt vào smartphone hay dí mặt vào TV ở nhà không thể nào có được.
Đó là không gian văn hóa và những giao tiếp giữa người với người cùng những hoạt động bên lề đôi khi rất thú vị. Ai đã từng ra sân xem bóng đá trực tiếp sẽ hiểu thêm vì sao đến rạp xem phim thú vị và “ feeling” hơn hẳn ngồi nhà nhẩn nha một mình.
Công nghệ tưởng như giúp con người kéo gần lại khoảng cách, nhưng thực tế lại đẩy họ ngày càng xa nhau. (Ảnh minh họa)
Tôi nghĩ chưa hẳn những người thích xem “chùa” tiếc 50.000 đ/vé vì “Cô Ba Sài Gòn”, mà có lẽ đối với nhiều bạn mọi thứ trên cuộc đời này chỉ cần hiện lên màn hình điện thoại là đủ. Không chỉ lướt face, chat chit, đọc báo, nghe nhạc… mà mọi nhu cầu của cuộc sống trừ ăn, uống, vệ sinh và đi ngủ.. cần chiếc điện thoại là đủ!
Ở thế giới ấy, họ không cần giao tiếp thực tế cũng chẳng cần những cảm xúc đem lại từ người khác. Ngay cả tôi, đôi lúc tưởng những phương tiện hiện đại ấy giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, nhưng tôi lầm, khoảng cách đời thật nhiều khi lại tăng theo cấp số nhân.
Nhiều lúc ra quán cà phê, ngồi nơi công cộng và cả trong chính ngôi nhà mình, tất cả cứ cúi đầu vào chiếc điện thoại đầy thông tin nhưng thiếu cảm xúc. Còn đâu những tiếng cười vui vẻ, những câu chuyện kèm ánh mắt, nụ cười và đôi khi mọi người lại lãng quên nhau và dán mắt vào màn hình smartphone?
Từ hai năm trước tôi đã suy ngẫm rất nhiều khi xem bộ ảnh “Khoảng cách” của chàng sinh viên Học viện Âm nhạc Tứ Xuyên (Trung Quốc), Doãn Hiếu Miễn. Bộ ảnh mô tả cuộc sống thời công nghệ ghi lại những khoảnh khắc chân thật trong “thời đại cúi đầu”: mọi người đều cúi mặt vào chiếc smartphone hay máy tính bảng của mình mà quên đi những người thân thiết ngay bên cạnh.
Một bức hình trong bộ ảnh "Khoảng cách" của Doãn Hiếu Miễn
Giữa quảng trường, bé gái muốn cùng mẹ chơi con quay, nhưng mẹ bé chỉ chăm chú vào chiếc di động. Một đôi tình nhân ngồi kề vai nhau nhưng tâm trí không thuộc về nhau mà bay theo một phương nào đó trên mạng. Mỗi chiếc di động là một thế giới và hai người bạn cùng phòng chu du theo hai thế giới riêng…
Những hình ảnh đó giờ đây tràn ngập khắp nơi. Không chỉ “giết chết” cảm xúc của con người, tôi cảm giác như điện thoại có thể là cánh tay, ánh mắt, nụ cười… thay cho tất cả nhưng hoàn toàn lạnh lẽo và rất ư nhợt nhạt.
Tôi ủng hộ và đón nhận những thiết bị công nghệ hiện đại, nhưng tôi cũng vô cùng trân trọng những cảm xúc thật của mỗi con người. Điều mà Iphone X có đắt tiền và nhiều tính năng đến bao nhiêu cũng không thể mang lại
Trên trang cá nhân của mình, Ngô Thanh Vân bức xúc: "Tôi cảm thấy thật bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ê-kíp của mình. Tôi thật sự nản các bạn ạ. Nó như cái tát vào mặt để tôi tỉnh lại".
Còn với tôi, thế giới ảo mà nhiều bạn đã lỡ tôn thờ đang lấy đi những thứ còn mất mát hơn rất nhiều 300 triệu mà ê kíp làm phim của “ Đả nữ” họ Ngô đang chịu. Tôi muốn chúng ta mặt đối mặt, người bên người và cảm xúc của cuộc đời này tràn vào từng cơ thể. Điều ấy chắc chắn ấm áp sâu đậm hơn những gì mà màn hình vài inch đem lại.
>> Xem thêm: 'Cô Ba Sài Gòn' bị livestream lén: Thủ phạm có thể bị phạt 1 tỷ đồng hoặc 3 năm tù
No comments:
Post a Comment