Bác sĩ nói thai nhi bị dị tật do bị nhiễm độc thai nghén
40 năm trước, vào ngày 17/4/1977, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (khi đó gọi là Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương – gọi tắt là viện C), sản phụ Bùi Thị Hương (SN 1945) đã hạ sinh 4 người con gái và được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận đỡ đầu, đặt tên lần lượt là Bắc - Nam - Thống - Nhất gây chấn động dư luận.
Nay bà Hương đã 72 tuổi (hiện đang sống cùng con gái út trong một căn nhà nhỏ trong khu tập thể Yên Ngưu, Thanh Trì, Hà Nội). 4 người con cái của bà cũng đã trưởng thành nhưng khi nhắc lại kỷ niệm trên, bà Hương lại bồi hồi.
Ca sinh 4 của bà Hương gây chấn động cách đây 40 năm.
Bà Hương nhớ lại, năm 1977, bà mang thai lần thứ 3. Khác với hai lần trước, lần này bụng to hơn rất nhiều, chiếc nón úp vào cũng không vừa. Khi mang thai đến tháng thứ 6 thì bà bị phù toàn thân, đi lại rất khó khăn, chân tay sưng to nên phải nằm điều trị tại Bệnh viện C một tháng.
Trong quá trình nằm ở Bệnh viện C, khi siêu âm, chụp phim bác sĩ lúc bảo thai nhi có 8 chân, 2 đầu, khi lại bảo là 8 chân, 3 mình… và giải thích với sinh viên thực tập lúc đó rằng bà đang chửa quái thai, nghi do bà hàng ngày buôn bán cá bể ở chợ Hôm nên có thể đã bị nhiễm độc thai nghén.
Vợ chồng bà Hương bên 5 cô con gái.
“Nhiều người bàn ra tán vào nghĩ rằng tôi chửa quái thai, nhưng vì không hay suy nghĩ nên tôi không bận tâm và cứ chờ ngày sinh con. Đến khi thai được 8 tháng, các bác sĩ cho tôi uống thuốc lợi tiểu, rút được 17kg nước trong người thì tôi bị vỡ ối và sinh non.
Cứ 10 phút tôi lại sinh một đứa, khi đã đưa được 3 cháu ra thì không ai nghĩ trong bụng còn cháu thứ 4. Đến khi đợi nhau ra thì phát hiện còn một đứa nữa nên cháu bị ối tràn vào mắt dẫn đến đục thuỷ tinh thể. Ngay hôm đó, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gọi điện, đồng thời cử cán bộ xuống bệnh viện thăm, đặt tên cho các con tôi là Nguyễn Thị Hoài Bắc, Nguyễn Thị Ánh Nam, Nguyễn Thị Truyền Thống, Nguyễn Thị Như Nhất. Không ai có thể ngờ rằng tôi sinh 4. Ngay cả chồng tôi khi nghe tin còn hoảng hốt”, bà Hương nhớ lại.
Gia đình bà Hương chụp ảnh cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Bà Hương chia sẻ, trường hợp sinh tư như bà vào thời điểm đó là rất hiếm gặp. Năm đó, đất nước cũng mới thống nhất, kinh tế khó khăn, việc nuôi một người con cũng đã rất vất vả, huống hồ bà lại sinh cùng lúc 4 đứa. Lương giáo viên của chồng bà và lương của bà ở Công ty Thực phẩm Hà Nội bèo bọt nên khiến vợ chồng bà rất đau đầu.
Không chỉ vất vả mang nặng đẻ đau, bà Hương cũng phải chật vật hơn người trong quá trình nuôi 4 cô con gái. “Bắc, Nam, Thống, Nhất cứ ốm cùng ốm, đau cùng đau, đói thì cùng nhau khóc đòi ăn. Để đủ sữa cho các con, bản thân bà phải ăn uống gấp đôi người thường. Ngoài sữa, tôi cũng phải nấu cháo, dùng sữa bò cho các con ăn thêm.
Bà Hương thường xuyên nhầm lẫn Bắc và Thống; Nam và Nhất với nhau vì giọng nói quá giống nhau nếu chỉ nghe tiếng.
Để trông con, tôi đặt các cháu vào 4 chiếc võng, rồi buộc chung vào một đầu rồi cứ thế đưa võng cho các con. Cũng cố tìm người trông con nhưng không ai chịu được vì công việc quá nhiều”- bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, một thời sau khi sinh, sức khỏe ổn định thì bà lập tức tranh thủ trồng rau, nuôi gà... để có thêm thu nhập nuôi con. Đến năm 1991, sau khi về hưu, bà cũng nhận trông giữ trẻ cho bà con hàng xóm để kiếm thêm thu nhập cho các con mình ăn học.
"Lúc cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới đến nhà tôi ngại chỉ dám nhìn xuống chân"
Cũng theo bà Hương, tuy khi mới sinh xong các con bà đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt tên, nhưng mãi đến mùng 2 Tết Nguyên đán năm đó (tức là 6 tháng sau khi bà sinh con) thì mới được gặp ông.
Gia đình bà Hương luôn ghi nhớ tình cảm mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành cho gia đình mình.
Bà Hương nhớ lại: “Hôm đó là vào 7h sáng, tôi còn đang mặc áo rách, chồng tôi run tới mức không nhớ ra để áo ở đâu, các con tôi thì đang nằm ở trên giường, trên người mặc những chiếc áo mỏng, có cháu còn không mặc quần thì cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng đoàn cán bộ đến thăm.
Tôi xúc động tới mức chỉ ngồi khóc, mắt ướt nhoà nên không nhìn rõ mặt ông. Tôi cũng ngại nên chỉ nhìn vào chân ông, xem ông mang giầy cao đến đâu. Ông hỏi gì thì tôi trả lời. Ông hỏi rất tỉ mỉ: “Cháu có mấy cái chăn, cháu có mấy áo len…”. Tôi trả lời: “Cháu chỉ có áo sợi mắt na”. Cố Thủ tướng nói: “Nghèo thì nghèo, cũng phải có cái áo len. Con cần cái gì cứ nói”. Tôi đáp: “Ông cho con xin cái tủ lạnh nhỏ để sữa, đường cho các cháu”…
Lần lượt từ trái qua phải là Bắc - Nam - Nhất - Thống. Trong đó, chị Bắc và chị Thống giống nhau đến lạ kỳ, khiến nhiều người nhầm lẫn.
Sau 1 tuần, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho một ô tô chở đồ đạc xuống đầy đủ, mỗi người một cái chăn, áo, tủ lạnh, tủ đựng quần áo, bộ bàn ghế gỗ.
Rồi ông cho một sổ tiết kiệm với số tiền cũng không nhiều và hàng tháng ông cho 5 hào để đong gạo, sau tăng lên mấy trăm ngàn đồng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Bản thân tôi cũng được cho hưởng 2 lương, 1 lương hưu và 1 lương nuôi 4 đứa con và được nghỉ vô thời hạn, khi nào khoẻ mới đi làm trở lại.
Sau lần gặp đó, vợ chồng tôi gọi ông là bố, những năm về sau cứ đến dịp lễ tết, hoặc ông rảnh rỗi thì ông lại cho người đến nhà thông báo trước một hôm rồi ngày hôm sau đón cả nhà lên phủ Thủ tướng ăn cơm, trò chuyện.
Các con tôi có ngày hôm nay cũng là nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, ông bác Phạm Văn Đồng".
No comments:
Post a Comment