Cậu bé với đôi bàn chân tay “dị dạng”
Sinh ra với “đôi bàn chân, tay ếch”, cậu bé Thông Thái Lâm (7 tuổi, Bình Thuận) gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như việc sinh hoạt mỗi ngày. Bà Lệ (57 tuổi, bà ngoại bé ) kể, lúc mới chào đời, Lâm có đôi bàn tay và chân dính chặt vào nhau. Khi ấy, gia đình bà ai cũng sợ hãi khi nhìn thấy hình hài của Lâm.
“Thằng bé chào đời, bác sĩ gọi gia đình vào rồi thông báo nó bị dị tật nên đôi bàn chân tay cứ dính chặt. Nghe xong, tôi bủn rủn chân tay, không tin vào sự thật. Nhưng dù thế nào, nó vẫn là con người, là cháu ngoại của tôi. Vì vậy, tôi gắng động viên vợ chồng con gái chấp nhận hiện thực, sau này có điều kiện sẽ làm phẫu thuật cho thằng bé”, bà Lệ nhớ lại.
Từ khi chào đời, bé Lâm đã có hai bàn tay dính chặt lấy nhau
Với hình hài không trọn vẹn, khi lớn Lâm thường trở thành trò chế giễu, đùa cợt của bạn bè. Thậm chí, không chịu nổi áp lực có con “dị dạng”, người bố đã bỏ đi biền biệt, còn mẹ quyết định lập gia đình mới. Từ ngày đó, bé Lâm sống cùng bà ngoại rau cháo qua ngày.
Lên 6 tuổi, thay vì được cắp sách đến trường học chữ, Lâm chỉ lủi thủi trong nhà. “Chân nó đứng không vững, 2 bàn tay chính chặt vào nhau thì cầm bút sao nổi mà đi học. Nhiều bữa, tôi thấy thằng bé nhìn tụi trẻ trong xóm đi học với ánh mắt buồn mà quặn từng khúc ruột. Tôi đã từng nghĩ đến chuyện cho nó đi phẫu thuật tách ngón nhưng tiền đâu mà đi. Giờ thằng bé đã 7 tuổi nhưng…vẫn mù chữ”, bà Lệ nghẹn ngào.
Đôi bàn chân cũng vậy! Do đó, Lâm thường bị bạn bè trêu trọc là cậu bé "ếch"
Phép màu diệu kỳ và niềm vui của cậu bé “ếch”
Cậu bé có “đôi bàn chân, tay ếch” đã trở thành chuyện truyền miệng của những người dân sống tại Bình Thuận. Khi nghe mọi người kể về Lâm, một cô giáo tên Quỳnh đã tìm hiểu và đến nhờ bác sĩ Nguyễn Xuân Anh – Trưởng khoa Vi phẫu Tạo hình, Bệnh viện Sai Gon-ITO (TP.HCM) xin giúp đỡ.
Thông qua vài dòng viết ngắn ngủi của cô giáo Quỳnh, vị bác sĩ này đã nhận lời phẫu thuật tách ngón miễn phí cho bé Lâm. Bên cạnh đó, cô Quỳnh cùng một số thầy cô giáo khác đã quyên góp tiền, giúp đỡ hai bà cháu bé Lâm có lộ phí vào Sài Gòn chữa bệnh.
Bác sĩ Xuân Anh và bé Lâm trước giờ làm phẫu thuật tách ngón
Theo lời kể của bác sĩ Xuân Anh, ngày đầu gặp Lâm, bác sĩ ấn tượng với câu nói thật thà của bé: “Bác sĩ ơi! Con chỉ mong đôi bàn tay tách rời để được học chữ, còn chân không phẫu thuật cũng được”.
“Bé Lâm bị dính phức tạp 4 ngón hai bàn chân tay, thậm chí vừa dính vừa có các ngón thừa rất hiếm gặp. Qua lần phẫu thuật đầu, chúng tôi đã tạo hình thành công cho bàn tay phải của bé, mất đến 5met chỉ tự tiêu. Mới đây, bé đã được tách ngón ở bàn tay trái. Theo dự kiến, Lâm sẽ được mổ những đợt tiếp theo để tách các ngón còn lại trong thời gian sớm nhất”, bác sĩ Xuân Anh nói.
Hiện tại, Lâm đã được phẫu thuật tách ngón ở hai bàn tay
Sau 2 lần phẫu thuật, vết mổ ở tay bé Lâm đã dần lành. Bà Lệ cho hay, hiện bé Lâm đã có thể cử động được tay phải, còn tay trái vẫn đau nhức. “Tôi chưa bao giờ dám nghĩ thằng bé có thể có đôi bàn tay như con nhà người ta. Giờ thấy nó có cơ hội, tôi vui mừng lắm. Qua đây, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ đã giúp đỡ hai bà cháu những ngày qua”, bà Lệ tâm sự.
Sau tất cả, cậu bé “ếch” đã có thể “chạm” tới ước mơ được đến trường, cầm cây bút đưa từng nét chữ. Hi vọng, trong thời gian tới, bé Lâm có đủ sức khỏe để đối diện với những lần phẫu thuật tiếp theo.
>> Xem thêm: Cuộc sống mới của chiến sĩ sống sót trong vụ trực thăng rơi ở HN khi có bàn tay giả
No comments:
Post a Comment