“Chúng tôi làm đúng luật”
Chỉ trong vòng 1 tuần (từ 22/11 đến 27/11) liên tiếp các vụ việc bạo hành, bắt cóc trẻ em được phương tiên truyền thông đăng tải khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Tuy nhiên, mọi người cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm Cục trẻ em ở đâu?
Rất nhiều vụ bạo hành trẻ nhỏ trong thời gian qua.
Trả lời câu hỏi trên, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao Động – Thương binh & Xã hội) cho biết, ông biết có nhiều người đặt ra câu hỏi như trên và vị Cục trưởng này khẳng định: “Chúng tôi làm đúng quy định của pháp luật”.
Theo ông Nam, hiện nay Luật Trẻ em 2016 và Nghị định 56 của Chính phủ đã quy định và phân cấp rất rõ khi phát hiện hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em thì chính quyền các cấp ở địa phương phải là nơi vào cuộc đầu tiên, còn trung ương chỉ tư vấn hoặc trợ giúp khi cần thiết.
Ông Nam cho rằng, Cục Trẻ em đang làm đúng luật.
Đồng thời ông Nam cho rằng, khi Cục hay cá nhân ông có chỉ đạo gì, ông cũng không cần phải lên mạng xã hội “báo cáo” là đã chỉ đạo như thế nào.
“Dư luận nói chúng tôi không có chỉ đạo hay động thái gì là hoàn toàn sai. Ví dụ như sự việc ở trường mầm non Mầm Xanh, tôi đã trực tiếp gọi điện sang Vụ Mầm non (Bộ GD&ĐT) để trao đổi phối hợp thống nhất xử lý vụ việc.
Hay vụ việc ở Kiên Giang, khi biết thông tin, Tổng Đài tư vấn bảo vệ trẻ em Quốc gia (số 111) lập tức gọi về các địa phương hướng dẫn, tư vấn để cán bộ xuống tận nơi nắm bắt tình hình và xử lý vụ việc”, ông Nam giải thích.
Theo ông Nam, khi xảy ra vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ trẻ em được phân cấp đã có văn bản chỉ đạo vụ việc rất kịp thời, vì thế việc Cục Trẻ em cũng ra một văn bản có nội dung giống như vậy là không cần thiết.
Trẻ mầm non bị bạo hành ảnh hưởng đến tâm lý.
Người dân đang ý thức được việc tố giác tội phạm
Trao đổi về vấn đề các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em thời gian gần đây đang ngày càng gia tăng, ông Nam thừa nhận và cho rằng không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng đang chung tình trạng này.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo ông Nam là do những áp lực trong xã hội khi bố mẹ lao vào công việc phải gửi con quá sớm, thậm chí là con phải sống xa bố mẹ. Ngoài ra, vấn đề bùng nổ thông tin mạng đang rất nhức nhối và đây cũng là một nguyên nhân khiến trẻ bị xâm hại và bạo hành gia tăng.
Vấn đề cốt lõi nữa đó chính là việc am hiểu pháp luật của người dân vẫn còn ở mức rất thấp, khi họ ra tay với một đứa trẻ không hề biết như vậy là vi phạm pháp luật, sẽ phải đi tù.
Trẻ bị bạo hành đa phần là do người thân cận.
“Cùng là một hành vi, cùng tỉ lệ thương tích nhưng nếu bạo hành với trẻ em thì mức hình phạt rất cao, thậm chí phải đi tù, còn với người lớn có khi chỉ là xử lý hành chính. Đơn giản vậy thôi, nhưng không phải ai cũng biết”, ông Nam phân tích.
Ngoài những yếu tố trên, ông Nam cho rằng gia tăng số vụ bạo hành trẻ thời gian gần đây cũng là một tín hiệu tích cực. Vì điều đó chứng tỏ, người dân đang ý thức được việc tố giác tội phạm khi phát hiện thấy vụ bạo hành trẻ em hoặc nghi bạo hành trẻ em.
Từ thực tế các vụ việc xảy ra và qua các nghiên cứu cả trên thế giới và Việt Nam, ông Nam cho rằng đến 90% người xâm hại, bạo hành trẻ em chính là người thân. Đó chính là bố mẹ, anh em trong gia đình và những người gần trẻ nhất như: bác sĩ, thầy cô nuôi dạy trẻ…
Để giải quyết được vấn đề này, ông Nam nhận định không còn cách nào khác là phải nâng cao nhận thức người dân về pháp luật và con đường ngắn nhất để đến với người dân đó chính là các phương tiên thông tin đại chúng.
Khi phát hiện vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em người dân cần báo cho: 1. Chính quyền địa phương, cơ quan công an gần nhất hoặc gọi điện trực tiếp về số 113 (cảnh sát phản ứng nhanh). 2. Gọi điện trực tiếp đến Tổng đài tư vấn, bảo vệ trẻ em Quốc gia qua số điện thoại đường dây nóng 111. 3. Theo quy định ở cấp xã hiện nay đã có người được phân công tiếp nhận đơn tố cáo của người dân, vì thế khi có sự việc người dân nên chuyển đến tay cán bộ được phân công, sau đó đơn tố cáo sẽ được gửi lên các cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn. 4. Đối với những người tố giác sẽ được bảo vệ, không tiết lộ danh tính. |
>>> XEM THÊM: Sự thật vụ bé gái 7 tuổi bị bố ruột và mẹ kế bạo hành bằng sắt nung đỏ
No comments:
Post a Comment