Người dùng mạng xã hội Facebook hôm nay chắc hẳn rất thích thú khi được nhắc nhở quan sát một sự kiện thiên văn thú vị. Sự kiện giao hội của các thiên thể trên bầu trời này là gì, tại sao nó lại được chú ý đến như vậy?
Từ 5h sáng ngày 13/11, tại Việt Nam sẽ quan sát được hai hành tinh sáng nhất của Hệ Mặt Trời nằm rất gần nhau trên bầu trời. Cả hai hành tinh sẽ cách nhau 20 phút góc, tức là chưa đầy một độ trên bầu trời. Đây là khoảng cách rất gần, bạn có thể thấy cả hai trong cùng một trường nhìn của ống nhòm.
Sự kiện giao hội đặc biệt được Facebook nhắc nhở người dùng trên bảng tin.
Sao Kim là vật thể sáng nhất trên bầu trời sau Mặt Trời và Mặt Trăng, vào sáng sớm 13/11, nó sẽ có độ sáng biểu kiến là -3,4. Trong khi đó, Sao Mộc sẽ tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là -1,2. (Độ sáng biểu kiến là độ sáng của vật thể khi quan sát trên bầu trời Trái Đất. Độ sáng càng nhỏ, thì vật thể đó càng sáng).
Sao Kim đang trong thời gian lặn thấp dần còn Sao Mộc bắt đầu trở lại bầu trời buổi sáng. Cả hai sẽ nằm thấp gần chân trời và chỉ xuất hiện một lúc ngắn rồi Mặt Trời ló dạng và làm lu mờ tất cả.
Để quan sát được sự kiện này, hãy nhìn thấp về bầu trời hướng đông từ 5h10 phút sáng. Ở Sài Gòn, Mặt Trời sẽ mọc lên từ 5h48 phút, trong khi ở Hà Nội thì Mặt Trời sẽ mọc lên từ 6h6 phút. Nhưng ánh sáng chói chang của Mặt Trời sẽ sớm che khuất vùng trời này, vậy bạn hãy tranh thủ tận dùng vài chục phút ngắn ngủi để quan sát chúng.
Một lần giao hội trước đó của Sao Mộc và Sao Kim trên bầu trời. Ảnh: Marek Nikodem.
Sự kiện giao hội giữa Sao Mộc và Sao Kim xảy ra cũng khá thường xuyên, nó không thật sự quá hiếm. Trung bình cứ 13 tháng, chúng sẽ giao hội một lần. Nhưng hầu hết chúng sẽ giao hội vào thời gian ban ngày. Từ nay đến năm 2117, hai hành tinh này sẽ có 24 lần giao hội, nhưng chỉ hai lần là giao hội cực gần trên bầu trời tối. Lần tiếp theo là vào ngày 2/11/2039.
Đặc biệt nhất phải nói đến là lần giao hội ngày 22/11/2065, Sao Kim sẽ nằm phía trước và che khuất hẳn Sao Mộc. Nhưng rất tiếc, lần giao hội này chúng ta sẽ không quan sát được vì chúng nằm quá gần Mặt Trời.
Ngoài ra, do quỹ đạo của các hành tinh trong không gian, sự giao hội của chúng cũng lặp lại theo chu kỳ 24 năm. Tức là cứ sau 24 năm, những lần giao hội sẽ diễn ra giống như 24 năm trước đó.
>> XEM THÊM: 'Nguyệt thực toàn phần' hay 'trăng máu', gọi thế nào cho đúng?
No comments:
Post a Comment