Không ít lời rèm pha: "Vợ bán xác chồng"
Ra đón chúng tôi trước cổng nhà, chị Nguyễn Thị Phòng (ở thôn Đồng Trạng – xã Cổ Đông – Thị xã Sơn Tây – Hà Nội) dù đầu vẫn đội khăn trắng chịu tang chồng, ánh mắt trũng sâu vì nhiều đêm mất ngủ nhưng chị vẫn thể hiện lòng mến khách bằng những cái bắt tay thật chặt.
Vừa đi vào nhà, chị Phòng vừa tâm sự: “Chẳng có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất đi người thân. Nhưng tôi và mọi người trong gia đình vẫn luôn cảm thấy tự hào vì mình đã thay chồng làm được một việc thật có ý nghĩa”.
Chị Phòng là vợ anh Nguyễn Xuân Trường (57 tuổi), người mới qua đời hồi đầu tháng 10 và đã tình nguyện hiến toàn bộ thân thể cho y học. Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối tạng và bộ phận cơ thể người Quốc gia, sau khi mất, 2 giác mạc của anh Trường đã được Ngân hàng mắt Trung ương đến lấy để ghép cho 2 người bệnh đang khát khao ánh sáng.
Còn nhiều phần thân thể khác của anh như xương, sụn, gân… cũng sẽ được sử dụng để ghép cho nhiều người trọng bệnh đang chờ đợi. Phần thân thể của anh Trường sẽ được dùng phục vụ giảng dạy cho các sinh viên y khoa.
Dù đã làm một việc vô cùng ý nghĩa nhưng việc trở về nhà không có thi thể của người đã mất khiến gia đình chị Phòng chịu nhiều lời cay đắng.
Chị Phòng không ít lần rơi nước mắt khi có người nói vợ bán xác chồng.
“Đã có người đến hỏi tôi rằng: “Thế bán xác chồng có được nhiều tiền không? Chắc nhiều lắm nhỉ?”. Nghe những câu nói đó lúc đầu tôi đau lòng lắm nhưng tự mẹ con lại động viên nhau vượt qua vì việc mình làm không sai mà nó còn vô cùng ý nghĩa”, chị Phòng chia sẻ.
Lúc sắp ra đi anh ấy liên tục nhắc về tâm nguyện được hiến xác
Câu chuyện hiến tạng, hiến xác cho y học của anh Trường đã gây “rúng động” một vùng quê yên bình ở vùng đất cố Đô. Bởi việc làm này không phải là phổ biến trong xã hội hiện nay, đặc biệt lại được thực hiện bởi một gia đình có truyền thống làm nông nghiệp.
Chị Phòng cho biết, ý định hiện tạng hiến xác cho y học của chồng không phải lúc lâm trung mới được đề cập đến. Mà ngay từ khi chưa phát hiện ra bệnh, chồng chị Phòng đã nhiều lần nhắc đến ý định này.
“Khoảng tháng 7/2017, chồng tôi xem tivi và nói muốn đi đăng ký hiến tạng khi qua đời. Lúc đầu nghe thấy vậy tôi hoảng sợ lắm và không đồng tình. Nhưng anh ấy bảo là chết rồi thì còn gì nữa, giúp được ai thì giúp chứ. Nghe anh ấy nói nhiều lần, tôi cũng thấy chồng có lý nên đồng ý để anh ấy đi đăng ký hiến”, chị Phòng nhớ lại.
Rồi khi đổ bệnh, dù phải nằm điều trị tích cực nhưng chồng chị Phòng không hề tỏ ra đau đớn hay lo lắng gì về bệnh tật. Anh liên tục nhắc vợ cùng những người thân nhớ thực hiện tâm nguyện hiến xác của mình.
Chiều ngày 3/10 khi thấy tình trạng bệnh của chồng có dấu hiệu xấu đi, chị Phòng đã nhấc điện thoại gọi về Trung tâm điều phối tạng và bộ phận cơ thể người Quốc gia. Chị vẫn nhớ, cuộc gọi chị thực hiện là lúc 16 giờ 22 phút, đến 17 giờ anh Trường ra đi!
Nhờ hành động cao cả của anh Trường mà hai người khác được nhìn thấy ánh sáng.
Lúc đầu, khi anh Trường vừa từ giã cõi đời, một số thành viên của gia đình không đồng ý với việc hiến xác. Thế nhưng chị Phòng đã rất kiên quyết và từ tốn giải thích đó là nguyện vọng của anh Trường muốn cái chết của mình có ý nghĩa… Vậy là hơn 10h đêm hôm ấy, thi thể của anh Trường được chuyển về Học viện Quân y.
Trước hành động cao cả của anh Trường, chị Phòng cũng như tất cả những người thân trong gia đình đều cảm thấy rất hãnh diện. Không những thế, họ cho biết sau khi lo việc cho anh Trường ổn thỏa, họ sẽ đi đăng ký hiến tạng, hiến xác. Tất cả mọi người cùng đưa ra quyết tâm: “Tôi sẽ làm như anh ấy!”.
PGS, TS Trần Ngọc Anh, Trưởng bộ môn giải phẫu, Học viện Quân y, nơi anh Trường đăng ký hiến xác cho biết, hiện giác mạc của anh Trường đã dùng để cấy ghép thành công cho hai bệnh nhân, còn các bộ phận khác như gân, xương, sụn thời gian tới sẽ dùng để cấy ghép cho các bệnh nhân khác mang lại sức khỏe và sự sống cho họ. Riêng xác của anh Trường sẽ thực hiện làm công tác nghiên cứu khoa học y khoa. “Những người làm trong ngành Y như chúng tôi hy vọng ngày càng có nhiều người có suy nghĩ tích cực và nhân văn như anh Trường để khắc phục được phần nào sự khan hiếm của nguồn mô, tạng nước ta, giúp cứu sống được nhiều người hơn nữa”, PGS.TS Trần Ngọc Anh nói. |
>> XEM THÊM: Hàng chục nghìn người Việt Nam đang chờ ghép tạng
No comments:
Post a Comment