Ngôi làng nhỏ nằm ở vùng ven đô của Hà Nội từ biết bao đời nay có một thứ di sản vô cùng đặc biệt đó là “tiếng lóng” như tiếng chim hót được người dân trong làng dùng để trao đổi riêng với nhau, vô cùng phong phú mà không nơi nào có được.
Cả làng giao tiếp bằng tiếng “lóng"
Về làng Đa Chất, ngôi làng vẫn còn đó những con đường đất mòn, ngõ nhỏ lát gạch, tường nhà rêu phong cổ kính hay giếng làng nơi người dân tụ tập nói chuyện, giặt quần áo, rửa rau mỗi buổi chiều về… thế nhưng nếu không có phải người làng ta dễ cảm thấy như đang vào một đất nước xa lạ. Bởi người dân nơi đây sử dụng một thứ ngôn ngữ riêng để trao đổi, muốn nghe được thì phải nhờ người… phiên dịch.
Ông Nguyễn Ngọc Đoán (cụ từ trông coi đình làng Đa Chất) được coi như một cuốn từ điển sống về thứ ngôn ngữ đặc biệt này.
Tìm đến đình làng, tôi may mắn gặp được cụ Nguyễn Ngọc Đoán (78 tuổi) – Cụ Từ chăm lo đình làng Đa Chất. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê này, cụ Đoán là một trong hai người cao tuổi nhất làng Đa Chất mà đến nay vẫn còn nắm được nguyên vẹn thứ ngôn ngữ “độc nhất vô nhị” này.
Cụ Đoán cho biết, tập tục nói tiếng lóng của dân làng Đa Chất xuất phát từ nghề truyền thống của làng đó là nghề đóng cối tre. “Khi xưa thợ đóng cối tre xay thóc của làng phải đi tới nhiều nơi, gặp nhiều người mà trong khi một gánh thợ chỉ có hai người nên họ luôn ở thế yếu. Để bảo vệ nhau trước cuộc sống xa nhà hoặc nhắc nhở nhau trong công việc mà không muốn người gia chủ biết được nên từ đó thứ tiếng lóng của dân Đa Chất ra đời”, cụ Đoán nói.
“Giả sử nhé, chúng tôi đi trên tàu xe mà gặp kẻ nhăm nhe định móc túi là mình phải báo cho người làng mình biết bằng câu “Ón, ón mẹ móm nó tớp hách!” dịch ra có nghĩa là “Này, này cẩn thận kẻo nó móc túi đấy!”, cụ Đoán hồ hởi khi nói về thứ ngôn ngữ đặc biệt mà chỉ dâng làng Đa Chất mới có.
“Hoặc khi đi đóng cối, nếu thấy người thợ phụ làm không đúng thì thợ cả sẽ nhắc bằng câu: "Mày xấn táo rồi, bệt ngáo kìa” dịch ra có nghĩa là "Mày làm lỗi rồi, nhà chủ nó trông thấy kia kìa.” lúc này tiếng lóng sẽ phát huy tác dụng để chúng tôi giao tiếp riêng với nhau mà không mất lòng thiên hạ”, cụ Đoán vui vẻ nói.
Càng tìm hiểu mới thấy tiếng lóng của làng Đa Chất khá thú vị và phong phú. Người dân không chỉ sáng tạo ra các danh từ chỉ đồ vật mà họ còn sử dụng cả những từ ghép kèm theo. Ví dụ như vật đựng nước được gọi là “gành” nhưng bình đưng nước được gọi là “gành quầng”; còn chén uống rượu lại có tên là “gành thí cắng”; chén uống chè là “gành thít mận”…
Người làng Đa Chất nói chuyện với nhau bằng thứ “tiếng lóng” đặc biệt nghe như tiếng chim hót.
Bên cạnh hệ thống danh từ phức tạp với nhiều từ đơn, từ ghép. Tiếng lóng Đa Chất còn có bộ đếm riêng, "nhất" là 1, "lái" là 2, "thâm" là 3, "chớ" là 4, “dâu” là 5…..
Ngày nay dù không phải đi đóng cối nữa nhưng tiếng lóng Đa Chất vẫn được người dân địa phương sử dụng trong cuộc sống hàng ngày một cách khá thường xuyên. “Chẳng phải nói đâu xa, chỉ mới vài hôm trước thôi khi thấy có vài thanh niên lạ vào làng với thái độ mắt la mày lém để đi tiếp thị bán hàng hoặc có ý đồ xấu là người làng sẽ “phát sóng ngắn” với nhau để mọi người cảnh giác canh chừng ngay”, Cụ Đoán chia sẻ thêm.
Gìn giữ thứ di sản độc nhất vô nhị
Chỉ tay vào cuốn sách “Văn hóa dân gian làng Đa Chất”, cụ Đoán cho biết trong sách liệt kê khoảng 200 từ tiếng lóng với ý nghĩa cổ xưa được người dân trong làng ghi chép lại. Ngày nay với sự phát triển của xã hội, tiếng lóng của dân làng Đa Chất không những mất đi mà còn phát triển, mở rộng để bắt kịp với thời đại.
Ngày nay dù không phải đi đóng cối nữa nhưng tiếng lóng Đa Chất vẫn được người dân địa phương sử dụng trong cuộc sống hàng ngày một cách khá thường xuyên
Để giải thích cho cách sáng tạo từ ngữ, cụ Đoán lấy ví dụ về chiếc điện thoại: “Điện thoại hiểu đơn giản là chiếc máy nói mà máy trong tiếng lóng của làng Đa Chất gọi là “sưỡng” còn nói là “tõi” ghép lại với nhau thì gọi là “sưỡng tõi” tức là điện thoại.”
“Hoặc các phương tiện như xe đạp, ô tô, xe máy nói chung được chúng tôi gọi là “sưỡng mố” hay máy bay thì gọi là “sưỡng thiên”… Cách sử dụng “tiếng lóng” này cũng như nói tiếng Việt bình thường, ghép các từ lại với nhau cũng có chủ - vị ngữ”, cụ Đoán nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng thôn Đa Chất cho biết, ngày nay dân làng Đa Chất hiện chỉ có những người ở độ tuổi trên 40 mới biết nhiều tiếng lóng và chủ yếu là nam giới. Phụ nữ và thanh niên trong làng biết ít hơn, hoặc có khi chỉ một vài câu giao tiếp cơ bản.
“Tiếng lóng ngày trước chỉ được lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối. Nghĩa là những người cùng huyết thống tự dạy nhau. Tuyệt đối không được dạy cho con dâu, con rể. Thế nhưng, để bảo tồn ngôn ngữ cổ của làng, trong thời gian tới địa phương cũng sẽ cố gắng mở các lớp dạy tiếng lóng cho các cháu nhỏ", ông Tuyên cho biết thêm.
No comments:
Post a Comment