Nghỉ 1 tiếng là quá ít, không phù hợp
Mới đây, trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội của Quốc hội diễn ra ngày 31/10, ông Nguyễn Văn Cảnh (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét thay đổi giờ làm việc.
Đại biểu Cảnh đưa ra giải pháp thay đổi khung giờ làm việc, buổi sáng bắt đầu từ 8h30 và kết thúc vào lúc 17h đối với khối dịch vụ công, các đơn vị giáo dục công lập trong đó giờ nghỉ trưa kéo dài 1 giờ.
Ông Nguyễn Văn Cảnh (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) đề xuất đổi giờ làm việc.
Ngay sau khi có đề xuất này, nhiều chuyên gia đã đưa ra quan điểm của mình và cho rằng, đề xuất đó chưa thực sự phù hợp với Việt Nam.
GS Lê Thị Qúy – Viện trưởng Viện nghiên cứu giới và phát triển bày tỏ: “Thời gian nghỉ trưa 1 tiếng là quá ít và không phù hợp”. Việc nghỉ trưa ít không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mà còn ảnh hưởng cả đến sự phát triển của xã hội.
Theo dự thảo Bộ luật Lao động mới năm 2017 có hiệu lực vào năm 2018, người lao động nữ trong thời kỳ hành kinh sẽ không còn được nghỉ 30 phút mỗi ngày; người lao động nữ có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi sẽ không còn được nghỉ 60 phút mỗi ngày nữa.
Như vậy, việc đi làm từ 8h30 sáng và buổi trưa chỉ được nghỉ 1 giờ sẽ gây hàng loạt khó khăn cho người phụ nữ.
“Với người phụ nữ đang trong thời gian nuôi con nhỏ, nếu nghỉ trưa 1,5 tiếng hoặc 2 tiếng họ có thời gian về cho con bú, ở bên con. Nhưng rút ngắn thời gian nghỉ trưa xuống chỉ còn 1 tiếng, họ sẽ không dám về nhà vì sợ đến muộn sẽ bị phạt.
Như vậy là đứa trẻ không được chăm sóc một cách đầy đủ nhất, ảnh hưởng đến sự phát triển, nói xa hơn là ảnh hưởng đến giống nòi, tương lai của đất nước”, GS Qúy nói.
GS Lê Thị Qúy cho rằng, việc nghỉ trưa 1 tiếng là quá ít, đặc biệt là với phụ nữ đang nuôi con nhỏ.
Theo vị nữ viện trưởng này, nếu áp dụng nghỉ trưa 1 tiếng sẽ nhiều người phụ nữ sợ không dám sinh con. “Thực tế hiện nay phụ nữ Việt Nam đang rất lười đẻ, khi áp dụng đề xuất này thì họ càng lười đẻ hơn. Lý do là vì họ không đủ thời gian để chăm con, sợ sinh con ra ảnh hưởng đến sự phát triển của con, rồi áp lực công việc…khi đó phương án tốt nhất là không đẻ nữa”, GS Qúy phân tích.
Ngoài những vấn đề trên, GS Qúy còn cho rằng việc đề xuất nghỉ trưa 1 tiếng không phù hợp với hoàn cảnh sinh hoạt của người lao động. Bởi, trong vòng 1 tiếng người lao động chỉ đủ thời gian ăn uống, rồi lại làm việc luôn mà không có thời gian nghỉ. Nếu kéo dài thời gian dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.
“Tôi tin nhiều người không thích đi làm muộn”
Ngoài đề xuất nghỉ trưa 1 tiếng, ông Nguyễn Văn Cảnh còn đề xuất ngày làm việc nên bắt đầu từ từ 8h30, thay vì 7h30 như hiện nay.
Về vấn đề này, GS Qúy cho rằng nhiều người sẽ không thích vì không phù hợp với số đông người lao động.
Việc đổi giờ làm chưa chắc giải quyết được tình trạng kẹt xe.
“Tưởng đi làm muộn là người lao động sẽ thích, nhưng thực tế không phải vậy, vì nhiều người sẽ gặp những rắc rối phát sinh, điển hình như việc đưa đón con đi học.
Tôi thấy, rất nhiều gia đình chọn trường học cho con gần khu vực bố hoặc mẹ làm việc, để đưa con đi học rồi đi đến cơ quan làm việc luôn, chiều lại tiện đón về nhà.
Nhưng nếu 8h30 mới làm việc, họ đưa con đến trường, xong lại về nhà rồi mới đi tới cơ quan. Như vậy nhiều người sẽ không muốn đổi giờ làm việc và việc làm này không có ý nghĩa trong vấn đề giải quyết toán giao thông”, GS Qúy phân tích.
Đổi giờ làm nhiều gia đình sẽ gặp phiền toái trong việc đưa trẻ tới trường.
Đồng quan điểm trên ông Lê Đình Quảng (Phó trưởng ban Quan hệ Lao động – Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, đề xuất đổi giờ làm của đại biểu quốc hội chỉ là một ý kiến tham khảo còn việc đưa vào cuộc sống được hay không thì phải trải qua một quá trình nghiên cứu, khảo sát thực tế lâu dài.
“Đại biểu Quốc hội đưa ra đề xuất dựa trên góc độ giao thông và khảo sát các nước phương Tây. Tuy nhiên, ở các nước đó, họ có khí hậu lạnh nên họ đi làm muộn hơn. Tóm lại, việc điều chỉnh giờ làm phải phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia”, ông Quảng nói.
>> XEM THÊM: TP.HCM sẽ cấm công chức mặc quần jeans, áo thun trong giờ làm
No comments:
Post a Comment