Có thể còn phải cần lộ trình khá dài nhưng chủ trương bỏ hộ khẩu và CMND của Chính phủ đã nhận được nhiều vỗ tay đồng tình. Người dân hoan hô không chỉ vì ích nước lợi nhà mà đó còn là một dấu hiệu cho thấy chính quyền ngày càng “lắng nghe, thấu hiểu” hơn…
Thời bao cấp, có lẽ cuốn hộ khẩu là một trong ít tài sản quý giá nhất trong nhà. Từ mua gạo, thực phẩm, vải vóc, nhu yếu phẩm, tang ma, cưới hỏi, phân phối nhà cửa, đồ dùng… không có hộ khẩu xem như xin mời đứng ngoài nhìn.
Giờ đây nỗi ám ảnh ấy đã bớt đi nhưng xin học, làm giấy tờ các loại, thực hiện nhiều thủ tục hành chính… vẫn gắn liền với hộ khẩu, thứ mà người ta đôi khi ngao ngán gọi là “hậu khổ”!
Tôi còn nhớ khi chưa có hộ khẩu TP HCM, phải ngược xuôi về lại Nha Trang ( Khánh Hòa) để đăng ký xe hay chứng thực giấy tờ thiết yếu. Đến ngày cưới vợ thì hỡi ôi! Đi đi về về 5 lần 7 lượt để xin chứng nhận độc thân, chờ UBND phường niêm yết 7 ngày không cô nào “tranh chấp” rồi mới có tờ giấy vào lại TP HCM đăng ký kết hôn. Khi chuyển khẩu theo vợ, cũng phải vài ba lần vất vả mới xong việc.
Tốn tiền, công sức đã đành, còn thêm nghỉ việc sắp xếp lên xuống nơi này nơi nọ đến vã mồ hôi. Tôi còn đỡ, bạn bè quê phía Bắc hay tít Lạng Sơn, Cao Bằng thì mỗi lần đụng chuyện đến hộ khẩu thì không chỉ “hậu khổ” mà chuốc cả “ tiền khổ”.
Người dân ủng hộ chủ trương bỏ sổ hộ khẩu.
Mấy chục năm như thế rồi nên vài bữa nay nghe tin Chính phủ đồng ý bỏ hộ khẩu và CMND, dù mình đã yên vị ở Sài Gòn hai thập niên nhưng nghĩ đến bà con, anh em, bạn bè 2,3 năm nữa bớt bị hộ khẩu hành lòng cũng vui lây.
Nhiều chính sách ra gây tranh cãi chứ riêng chủ trương này tuyệt nhiên tôi chưa thấy ai phản đối hay trăn trở điều gì. Ngược lại là những mong ngóng càng bỏ nhanh càng tốt, càng sớm thành hiện thực càng nhiều tiếng reo vui.
Chỉ cần lướt qua facebook, trên các trang mạng và click vào những bài đọc nhiều, bỏ hộ khẩu và CMND luôn là một trong vài từ “hot” nhất được 2,3 ngày nay.
Theo thông tin từ Bộ Công an, thời gian bỏ sổ hộ khẩu còn phụ thuộc rất lớn vào việc hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 15 thông tin cơ bản và việc kết nối với các bộ ngành đang quản lý các thông tin khác để đơn giản hoá thủ tục, giấy tờ công dân.
Khi có cơ sở dữ liệu rồi, công dân khi đến các cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: họ, tên; mã số định danh và chỗ ở. Trong đó, mã số định danh được coi là chìa khóa, để các cơ quan nhà nước tra cứu trong cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm lấy ra các thông tin về công dân phục vụ mục đích giải quyết thủ tục hành chính.
Nếu xem phim nước ngoài thì những đoạn như cảnh sát chỉ cần hỏi số định danh trên, gõ lóc cóc vài phím là hiện tất tần tật những gì họ có về công dân rồi sẽ là chuyện thường ngày ở Việt Nam. Điều ấy chắc chắn phải tính bằng năm nhưng một khi đã có chủ trương từ cấp cao nhất và đây lại là xu hướng tất yếu thì ngày ấy sẽ đến trong tương lai gần mà thôi.
Rồi mai này, người tìm việc không còn gặp những rào cản về hộ khẩu. Trẻ em đến trường chẳng còn bị phân biệt con dân ở đâu. Người Việt chỉ cần sống trên đất Việt với số định danh rõ ràng là xong, bớt những thủ tục rườm rà liên quan đến “ hậu khổ”. Chưa kể hàng loạt thủ tục thiết yếu liên quan mật thiết đến cuộc sống hàng ngày từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi không bị hộ khẩu hành mới thấy dân chúng hoan hô cũng là điều dễ hiểu.
Tôi đọc được những ý kiến đồng tình “Việc Chính phủ đồng ý bỏ hộ khẩu, CMND phù hợp với các quy định hiện hành, các quyền hiến định của công dân (quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do tìm việc làm…), cũng như thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó việc thay đổi cách quản lý bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là phương pháp quản lý khoa học, hiện đại, phù hợp với thông lê quốc tế”.
Tôi cũng nghe được những lời hoan nghênh “cứ làm những điều gì tốt đẹp cho dân cho nước chúng tôi luôn ủng hộ nhiệt thành”. Đường đã mở, đích đã có, không chỉ tôi mà những người dân Việt cùng Chính phủ đã tìm được tiếng nói chung, sự đồng thuận trong quyết sách hợp lòng dân này.
>> Xem thêm: Chính phủ đồng ý bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú
No comments:
Post a Comment