Đã hơn 4 tháng kể từ khi cơn sốt cao, co giật xảy ra, cuộc sống của cháu Lê Trọng Quốc Khánh (SN 2010) phải dựa hoàn toàn vào bố mẹ. Khánh không thể nhận thức được điều gì, chân tay co quắp, mắt trợn ngược…
Ngồi bên cạnh con, anh Lê Trọng Hùng (sinh năm 1978, thôn 4 – Thọ Dân – Triệu Sơn – Thanh Hóa) chia sẻ, tai họa xảy ra với con anh rất bất ngờ, khi Khánh trải qua cơn sốt cao kèm theo co giật.
Anh Hùng bế con trai trên tay mà lòng đau như cắt.
Khi thấy con bị sốt và co giật, bản thân anh Hùng cũng như vợ chủ quan nghĩ rằng con chỉ bị sốt thông thường như bao đứa trẻ khác khi thời tiết thay đổi nên quyết định cho con theo dõi tại nhà.
Sau đó, sức khỏe cháu Khánh ngày càng giảm sụt trầm trọng. Thấy con có những biểu hiện bất thường như: tím tái, hay nôn trớ, sốt cao… gia đình mới đưa đi viện khám.
Khi đưa đến viện cấp cứu, các bác sĩ thông báo cháu Khánh bị viêm não Nhật Bản, lúc đó hai vợ chồng như ngã quỵ và không nghĩ con trai mình lại gặp phải căn bệnh sợ đến thế.
Ngay sau khi gia đình phát hiện Quốc Khánh bị bệnh đã chuyển lên bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị 6 ngày trong tình trạng hôn mê sâu. Sau 6 ngày, các bác sĩ tại tuyến tỉnh đã giới thiệu gia đình đưa Khánh ra Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Kể từ đó, anh Hùng và vợ luôn phải sống trong cảnh lo lắng, sợ hãi bởi Khánh phải nằm trong phòng cấp cứu cách ly đúng 3 tháng 20 ngày. Trong suốt thời gian đó, do sức khỏe yếu nên bệnh chồng bệnh.
Ngoài viêm não Nhật Bản, Khánh còn bị viêm phổi, sốt phát ban, thủy đậu... trong thời gian dài. Cơ thể Khánh kiệt quệ, kèm theo biến chứng của bệnh viêm não Nhật Bản nên giờ đây Khánh không thể vận động được bình thường, chân tay co quắp, nhận thức cũng mất dần.
Cháu Khánh tay chân co quắp không thể vận động được.
Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ điều trị cho cháu Lê Trọng Quốc Khánh cho biết, hiện phương pháp trước mắt là điều trị phục hồi chức năng để làm mềm các cơ, hy vọng cháu có thể dần phục hồi vận động.
Còn về nhận thức, hy vọng duy nhất hiện nay đó là được ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, điều này dường như là quá khó với gia đình anh Hùng, vì chi phí thực hiện quá khả năng của cả hai vợ chồng.
“Biết là khó khăn, nhưng với bổn phận làm cha, làm mẹ chúng tôi không thể bỏ mặc đứa con thương yêu của mình. Hai vợ chồng vẫn luôn tự động viên phải cố gắng từng giờ, từng ngày để cùng con chiến đấu với bệnh tật”, anh Hùng nói.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh Viêm não Nhật Bản: Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có tỷ lệ tử vong cao. Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não. Có những trường hợp nặng có thể để lại di chứng liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt hoặc di chứng rối loạn tinh thần, mất ổn định về tình cảm, thay đổi cá tính, chậm phát triển trí tuệ. Để phòng tránh bệnh, cha mẹ cho trẻ đi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản (tiêm 2 mũi khi trẻ 1 tuổi, mũi sau cách mũi trước 2 tuần, mũi thứ 3 sau mũi 2 một năm), tránh để dịch lan rộng mới đi tiêm chủng thì hiệu quả tiêm chủng sẽ thấp. Đặc biệt, khi phát hiện trẻ sốt, nhức đầu, nôn ói, hôn mê, co giật phải đưa đi viện vì khả năng nhiễm viêm não rất cao. Khi phát hiện và điều trị sớm, khả năng giảm được tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn. TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) |
>> Xem thêm: Thực hư thông tin ăn vải thiều dễ bị bệnh viêm não Nhật Bản
No comments:
Post a Comment