"May mắn" vì còn quá bé
Mấy ngày nay, dư luận phẫn nộ và lo sợ trước vụ người giúp việc bạo hành một bé gái mới 1,5 tháng tuổi (ở Hà Nam) thông qua clip được gia đình đưa lên mạng xã hội.
Ngày 24/11, tại cơ quan công an, người phụ nữ này khai do bé gái quấy khóc khiến bà không làm được việc nên đã có hành vi đánh và tung bé lên cao. Nhiều người khi biết đến sự việc này đều bức xúc, lo lắng cho bé gái, thậm chí, có người không dám xem hết clip. Rất may, qua kiểm tra sức khỏe thì cháu bé không gặp phải tổn hại đến não. Tuy nhiên, phía gia đình cho biết, về mặt tâm lý thì bé sẽ phải được theo dõi vì nỗi lo sang chấn.
Trao đổi với PV, bác sĩ Cao Vũ Hùng (Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Trong trường hợp này, khi đứa trẻ mới được vài chục ngày tuổi thì nhận thức vẫn còn ít nên sự ảnh hưởng về tâm lý cũng chưa thể đánh giá. Tuy nhiên, chủ yếu là nên theo dõi về mặt chấn thương cơ thể thì sẽ rõ ràng hơn, ảnh hưởng về mặt tâm lý thì nếu có cũng là ít. Hơn nữa, sự ảnh hưởng đến tâm lý đối với một đứa trẻ (cho đến sau này) còn do nhiều tác động khác.
Sự việc người giúp việc bạo hành em bé còn rất nhỏ đã gây phẫn nộ dư luận. (Ảnh cắt từ clip)
Cũng trao đổi về vấn đề này với chúng tôi, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất phân tích rằng:
"Cháu bé còn nhỏ nên chỉ bị sợ sệt chốc lát thôi chứ không gây ấn tượng trong não. Vậy nên bé sẽ không gặp phải ảnh hưởng tâm lý nào cả và khi lớn lên vẫn được chăm sóc tốt thì chuyện này sẽ qua đi rất nhanh (cũng có thể bị sợ trong một vài ngày nhất định nhưng sẽ không kéo dài) chứ không giống như những bé lớn hơn".
Ở độ tuổi nào sẽ nguy hiểm nếu bị bạo hành?
Theo chuyên gia Nguyễn An Chất: "Với những bé lớn hơn, từ 1 năm tuổi trở lên, mỗi một độ tuổi thì sự chấn động sẽ lớn dần. Các bé từ 2 – 3 tuổi thì sẽ bị chấn động rất lớn. Từ 3 – 4 tuổi trở lên, nếu gặp phải những chuyện này thì bé sẽ bị chấn động, ám ảnh suốt đời".
Theo ông Chất, với các bé trong độ 1 tuổi, những sang chấn tâm lý này vẫn có thể giải tỏa và ổn định được nếu được người thân yêu chiều, chăm sóc tốt. Tuy nhiên, nếu các bé đã lớn từ 2 – 3 tuổi trở lên thì sẽ gần như mắc phải ấn tượng suốt đời bởi đã có ý thức.
"Nếu những bé từ 3 – 4 tuổi trở lên mà không may mắn gặp phải sự bạo hành thì từ đó sẽ gặp phải nhiều mối nguy cơ đáng lo ngại. Trong đó, nguy cơ dễ gặp phải nhất là lúc nào bé cũng sợ sệt, thấy bất kỳ cái gì như hình ảnh tương tự trong phim, sách vở thì bé sẽ lại bị chấn động.
Dần dần, nỗi sợ thành quen và ghi ấn trong não, không thay đổi được. Trên cơ sở đó, bé sẽ bị mất niềm tin tưởng vào người lớn mà đầu tiên là những người lạ. Nếu bố, mẹ mà không có kỹ năng, lại có những hành động, câu nói tương tự thì khi bé lớn dần lên vẫn sẽ bị ấn tượng rằng "người lớn ai cũng ác độc".
Người giúp việc khai nhận hành vi tại cơ quan công anh. Ảnh: Trí thức trẻ
Đồng ý kiến trong vấn đề này, bác sĩ Lê Đào Nghĩa (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) cũng thông tin thêm: "Đó cũng là một kích thích gây đau đớn nhưng em bé này còn nhỏ nên sự nhận thức cũng chưa nhiều. Với những đứa trẻ lớn hơn, nhận thức được thì sẽ có cảm giác sợ và gây sang chấn lâu dài.
Tuy nhiên, phải xác định xem là sự bạo hành đó trải qua nhiều lần hay một lần, tùy theo độ tuổi, hoàn cảnh.
Ví dụ, nếu một đứa trẻ không bị đánh đập mà bị bỏ quên, không được quan tâm thì đó cũng là một kiểu bạo hành. Sau này, những em bé đó cũng giống như tự kỷ, tức là bị thiếu hụt cảm xúc, cảm giác âu yếm và yêu thương. Tất nhiên, nếu được phát hiện sớm và can thiệp bằng cách âu yếm, nâng niu thì trẻ cũng sẽ hồi phục rất nhanh".
Cuối tháng 10/2017, tại Nghệ An cũng xảy ra một vụ người giúp việc bạo hành em bé mới 5 tháng tuổi. (Ảnh cắt từ clip)
Với những bé không may gặp phải bạo hành trên thân thể, bác sĩ Nghĩa cho biết, khi đã nhận thức được thì các em sẽ có cảm giác kinh sợ với những biểu hiện như: rối loạn giấc ngủ, hay ngủ mê hoặc hoảng hốt, không thân thiện được khi tiếp xúc với mọi người.
Khi bé đã biết nhớ, nhận thức được thì nhiều khi dù chỉ bị bạo hành một lần thì cũng sẽ bị sang chấn, có thể kéo dài tùy từng trường hợp.
Nhấn mạnh về lời khuyên dành cho các gia đình nếu không may có con nhỏ bị bạo hành, bác sĩ Nghĩa cũng cho biết, tình yêu thương của gia đình và vô cùng cần thiết. Môi trường sống rất quan trọng, sự âu yếm, nâng niu có thể khiến nỗi đau phai nhạt theo thời gian. Nhưng nếu sang chấn đó bị tái diễn nhiều lần thì sẽ có nguy cơ tồn tại lâu hơn.
No comments:
Post a Comment