Chàng thanh niên mà chúng tôi muốn nhắc tới là Phạm Văn Tặng (SN 1997), quê ở Sơn Giang, Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tặng mới tròn 20 tuổi nhưng những tâm sự của em lại khiến nhiều người phải xót lòng.
Chúng tôi biết Tặng khi em đang chữa trị bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Mới gặp, không ai nghĩ Tặng đang ở tuổi 20, bởi thân hình em quá nhỏ và gầy. Tặng cho biết, mình chỉ còn 36 kg mà thôi.
Những bữa cơm "chỉ thèm được ăn thịt gà"
Tặng kể, gia đình có 3 anh em trai và cuộc sống từ lâu đã rất vất vả. Là con út nhưng từ khi còn tấm bé, em đã sớm phải chịu những nỗi mất mát người thân, vất vả do đói nghèo.
Mẹ mất sớm vì đổ bệnh, Tặng cũng không nhớ rõ thời gian, chỉ biết là đã hơn chục năm rồi. Người mẹ ra đi để lại 3 đứa con thơ cho người chồng không nghề nghiệp. Để mưu sinh, bố Tặng phải bôn ba làm đủ mọi việc.
Năm 2010, Tặng lại chịu thêm nỗi đau mất người thân vì anh trai cả gặp tai nạn giao thông khi đi làm về.
"Khi đó anh cả mới 20 tuổi thôi, thế là còn mình bố đi làm kiếm sống và nuôi hai anh em. Nhà có đất nhưng không cấy trồng được nên chủ yếu là đi đánh cá, rồi ai thuê gì thì bố làm..." - Tặng chia sẻ. Dù vậy, bố Tặng có cố gắng bao nhiêu thì cũng không thể kiếm đủ ăn nên cuộc sống của cả gia đình kéo dài trong túng đói.
Khó khăn càng lớn khi cách đây khoảng 4 năm, Tặng phát hiện mình đã mắc bệnh đái tháo đường khá nặng. Vất vả chồng chất, bố Tặng đành phải bán đất để chữa bệnh cho con nhưng bệnh vẫn không dứt nên mọi người rơi vào bi quan và có ý định buông bỏ… Anh trai thứ hai của Tặng vì tuyệt vọng với cái nghèo nên cũng lặng lẽ bỏ đi kiếm kế mưu sinh.
Lúc đó, ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, Tặng suy sụp nghiêm trọng và bị đói thường xuyên.
Tặng kể, ở đây có nhiều người giúp đỡ, cho thịt gà ăn ngon lắm! Ảnh: Nông Thuyết
"Nhà có 600 m2 thì bố bán đi một nửa, được 200 triệu để chữa bệnh cho em nhưng mãi không khỏi. Bố bảo bán nốt chỗ còn lại nhưng em ngăn ông thôi không bán nữa, để kệ em chết lúc nào thì chết, vì em cũng chán lắm rồi.
Suốt ngày em phải vào bệnh viện ở Hà Tĩnh, bố thì phải đi làm. Bệnh mãi không khỏi, nhà thì nghèo đói nên ai cũng buồn chán. Bố bỏ đi làm xa, rất lâu mới về nhà hai, ba ngày, còn anh trai em thì cũng lặng lẽ bỏ đi kiếm sống...".
Tặng bảo, thà ở trong viện chứ đâu có nhà để ở. Đến đây, chúng tôi mới biết, ngôi nhà của gia đình Tặng thực ra là túp lều nhỏ, tồi tàn, do bà con hàng xóm thương tình nên dựng tạm cho em.
"Toàn chỉ có em ở nhà thôi, hàng xóm có gì cho thì họ cho. Họ thương em nên thi thoảng cũng mang cơm cho ăn. Nhưng mà nhà em không có thức ăn, toàn ăn cơm chấm mắm, không thì cơm trắng thôi… Nhiều lúc em chỉ thèm được ăn thịt gà, nó ngon lắm!".
Từng vào… quan tài nằm chờ chết
20 tuổi, khuôn mặt trắng trẻo nhưng Tặng gầy lắm! Chân tay và giọng nói đều rất yếu ớt. Từ năm 2016, khi nhập viện ở Hà Tĩnh, bác sĩ cho biết Tặng đã rơi vào tình trạng nguy kịch do bệnh đái tháo đường tuýp 1. Đây là căn bệnh mãn tính, không thể chữa lành, số người mắc phải rất ít, biến chứng rất nguy hiểm.
Trò chuyện với chúng tôi, Tặng lặng lẽ nói, em tưởng mình phải chết mấy lần rồi, không ngờ lại có ngày còn ra được đến Hà Nội như thế này.
"Có lần em bị tai biến, ngất xỉu trong nhà tắm nhưng không chết. Rồi bệnh viện trả em về, nói là không còn hy vọng nữa nên làng xóm lo cho em cái quan tài đặt ở nhà, nhưng em lại cũng không chết! Thà để em chết đi cho đỡ phải khổ còn hơn, cứ bệnh tật mãi em cũng chán vô cùng, nhiều lúc bi quan thì lại muốn bỏ bệnh viện về".
Tặng tâm sự, có lần, vì quá chán chường nên em đã… chui vào chiếc quan tài đó để nằm. Thấy chúng tôi có vẻ không tin, Tặng chỉ cười bảo rằng: "Vì em chán quá rồi, em nằm ở đấy, hàng xóm đến cho cơm thì ăn, còn không thì em… chết luôn trong đó".
Khi nhắc về quá khứ, Tặng lại buồn bã... Ảnh: Nông Thuyết
Sự nghèo đói, bất lực vì bệnh tật và cô đơn, thiếu thốn tình cảm gia đình đã dồn một chàng trai trẻ không cần đến mạng sống của mình nữa. Cũng có thể, một phần cũng là do sự nông nổi của tuổi trẻ.
Tưởng rằng những lần "chết hụt" trước đó đã quá bi kịch đối với Tặng nhưng giờ đây em lại phải chịu thêm nhiều nỗi dằn vặt lớn hơn. Căn bệnh tiểu đường quá nặng và biến chứng khiến đôi mắt của em mờ dần.
Cách đây khoảng 1 tháng, Tặng quyết định ra Hà Nội để khám và được biết nếu kéo dài thì có thể sẽ không nhìn được nữa.
"Bố em đi Lào làm thuê rồi, còn anh hai thì đang làm thuê ở Hà Nội. Ở đây có nhiều người thương nên hay cho em lắm. Có hôm em bảo thèm được ăn thịt gà nên họ mang đến, toàn đùi gà, to và ngon lắm" – Tặng thành thật kể.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Tặng được các bác sĩ quan tâm, điều trị tận tình. Đồng thời, đã có nhiều người giúp đỡ, hỗ trợ nên không còn phải lo lắng viện phí nữa. Hy vọng, một cánh cửa khác sẽ mở ra, đưa Tặng đến với cuộc sống mới tốt hơn những gì mà 20 năm qua em đã phải chịu đựng.
No comments:
Post a Comment