Đôi vợ chồng tật nguyền Hà - Nam bên cậu con trai
Đánh cược sinh mạng để ấp ôm con
Nhìn cậu bé Lê Trương An Phúc gần 4 tháng tuổi bụ bẫm không ai nghĩ cậu được sinh ra từ người mẹ và người cha đều bị liệt. Để có được bé An Phúc, chị Trương Thị Hà (39 tuổi, Nông Cống, Thanh Hóa) đã chấp nhận đánh cược sinh mạng mình. Chị Hà bị liệt bẩm sinh, còn chồng chị - anh Lê Văn Nam (33 tuổi, cùng quê) cũng không may mắn bị liệt tủy sau tai nạn ngã cây năm 19 tuổi. Số phận run rủi cho cả hai gặp nhau khi cùng tham gia một chương trình đào tạo về công nghệ thông tin. Chung hoàn cảnh nên càng thấu hiểu nhau, hai anh chị nên duyên vợ chồng trong sự lo lắng, ái ngại của nhiều người. Và khi anh chị đưa ra ý nguyện có con càng gặp phải sự ngăn cản của nhiều người, bởi những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của hai con người khuyết tật.
Tuy nhiên, khát khao có con thôi thúc anh chị tìm đến Bệnh viện (BV) Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để xin làm thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm. Ths, BS. Lê Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Phó giám đốc bệnh viện cho hay: “Đây là một ca bệnh rất khó vì người chồng không có tinh trùng, vợ liệt ngồi một chỗ. Một người bị liệt mang thai sẽ khó khăn gấp trăm vạn lần người bình thường. Tôi đã khuyên bệnh nhân không nên mang thai vì có thể nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn đầy quyết tâm, khao khát được có con khiến tôi quyết định nhận hỗ trợ sinh sản”.
Lần đầu tiên chuyển phôi tươi bị thất bại, nhưng vợ chồng chị Hà không hề nản chí. Sau đó 3 tháng, các bác sĩ tiếp tục chuyển phôi lần thứ hai, may mắn đã mỉm cười với hai vợ chồng chị Hà, nhưng tiếp nối sau đó là chuỗi ngày vô cùng gian khó để giữ thai phát triển. “Khi nhận tin thai đã đậu mà tôi không tin vào tai mình, niềm hạnh phúc ngoài sức tưởng tượng. Thế nhưng, chưa kịp mừng lại lo lắng vì bác sĩ cho biết thai nằm thấp, sát với cửa tử cung nên nguy cơ sảy thai lên đến 90%”, anh Nam chia sẻ.
Mọi sinh hoạt vốn bất tiện nay càng thêm vất vả, khó khăn khi chị Hà mang thai và buộc phải nằm bất động, tiêm thuốc để hi vọng giữ được thai. Tất thảy sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Điều không ngờ tới là khi thai nhi càng lớn, càng ép mạnh vào phổi khiến chị Hà phải mổ cấp cứu vì xẹp phổi. Sinh mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, may mắn ca mổ bắt con diễn ra thuận lợi, cậu con trai chào đời nặng 2,7kg. Tuy nhiên, cậu bé sinh ra có chút khiếm khuyết nhỏ về hậu môn, dự kiến sẽ tiếp tục được điều trị tại BV Nhi T.Ư trong thời gian tới.
60 tuổi vẫn còn cơ hội hái “trái ngọt”
Hiện đang ở tuổi 61, bà Nguyễn Thị Nguyệt (Lạng Giang, Bắc Giang) dường như là người lớn tuổi nhất từ trước đến nay có con nhờ thụ tinh ống nghiệm của cả nước. Không giấu nổi niềm hạnh phúc khi ôm cậu con trai kháu khỉnh tên Nguyễn Trọng Khánh đã được 18 tháng tuổi, bà Nguyệt cho biết, bà có cô con gái lớn đã lập gia đình từ năm 2009, cháu ngoại giờ cũng đã vào lớp 2. Tuy nhiên, con gái lấy chồng xa, vợ chồng bà đến tuổi nghỉ hưu, gia cảnh vắng vẻ, quạnh người nên ông bà quyết định tìm cơ hội để có thêm mụn con.
“Năm 2012, vợ chồng tôi đi khắp các bệnh viện ở Hà Nội với mong muốn có thêm đứa con nữa cho vui vầy tuổi già. Thế nhưng, đi đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu, từ chối. Nhiều bác sĩ khuyên tôi lớn tuổi rồi không nên mạo hiểm nữa, cần cẩn trọng với các bệnh của tuổi già như tim mạch, huyết áp. Nhưng vợ chồng tôi thật sự khao khát có thêm đứa con nữa”, bà Nguyệt chia sẻ.
Bà Nguyệt bảo, có lần tìm đến BV Phụ sản T.Ư, hai vợ chồng chầu trực hai ngày, hai đêm để đến lượt khám với tràn trề hi vọng, nhưng dù vợ chồng bà có tha thiết nguyện vọng mong được có con lần nữa nhưng không bác sĩ nào nhận lời.
Đến năm 2015, hai vợ chồng tiếp tục tìm đến với BV Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn khi tuổi đời chạm con số 59, cũng vẫn khát khao có thêm mụn con. Ở đây, ông bà Nguyệt bất ngờ nhận được sự đồng ý từ bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, người vốn nổi tiếng mát tay với hàng trăm cặp vô sinh hiếm muộn.
Theo lời chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Toàn, chồng bà Nguyệt, bác sĩ có nói nếu quyết tâm bệnh viện sẽ hết mình hỗ trợ sinh sản, tuy nhiên phải xác định trường kỳ, dài lâu và tốn kém cả sức lực và tiền bạc. “Lúc đó, với vợ chồng tôi, chỉ cần các bác sĩ đồng ý giúp đỡ đã là một điều may mắn”, bà Nguyệt cho biết.
Điều may mắn hơn cả là chỉ làm một lần duy nhất, vợ chồng bà Nguyệt nhận được tin vui ca hỗ trợ sinh sản thành công hơn cả dự liệu. Quá trình mang thai ở tuổi 60 cũng không khiến bà Nguyệt mệt mỏi. “Điều kỳ lạ, khi mang thai tôi không hề nghén ngẩm chút nào, ăn được, ngủ được. Chỉ có lần khi được 3 tuần, thai dọa sảy khiến tôi phải nằm viện 6 ngày và duy trì liên tục việc tiêm thuốc hỗ trợ giữ thai suốt 3 tháng đầu thai kỳ. Đến kỳ cuối xuất hiện nhiễm độc thai nghén, nhưng thai giữ được đến tuần thứ 37 thì mổ đẻ”, bà Nguyệt nói.
Cậu con trai nặng 2,6kg chào đời là niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời của vợ chồng bà Nguyệt và với cả đội ngũ y, bác sĩ của BV Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn. Dù ở tuổi 60, nhưng sau sinh bà nuôi con hoàn toàn bằng nguồn sữa mẹ. “Trộm vía 18 tháng nhưng thằng bé ăn no, ngủ kỹ, dễ nuôi và chưa uống bất kỳ 1 viên kháng sinh nào cả”, bà Nguyệt cho hay.
Trao đổi với Báo Giao thông, Ths, BS. Lê Thị Thu Hiền cho biết: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định đây là ca khó vì người mẹ tuổi đã rất cao. Tuy nhiên, đứng trước nỗi niềm khát khao con trẻ của họ, chúng tôi cũng quyết tâm hỗ trợ đến cùng. Điều thuận lợi, là chỉ một lần cấy phôi tươi đã mang lại kết quả tức thì. Hạnh phúc đón trái ngọt của họ cũng là niềm hạnh phúc của chính chúng tôi”.
Liên tiếp uống nước dừa trong 7 ngày, một số căn bệnh khiến bạn khó chịu sẽ được cải thiện đáng kể, thậm chí...
No comments:
Post a Comment