Ths.BS. Nguyễn Kiến Mậu – Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP.HCM thông tin, ngày 20/7, bệnh viện tiếp nhận một bé gái vừa sinh được 2 ngày tuổi từ Bệnh viện đa khoa Kiên Giang chuyển lên. Đặc biệt, bé gái mang một khối u to ở vùng chẩm (sau gáy) với đường kính lên đến 15cm, nhiễm trùng máu và viêm màng não.
Bé gái 2 ngày tuổi mang khối u quái sau gáy bị gia đình bỏ rơi tại bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM
Ban đầu, bé gái được chăm sóc và làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Kết quả hội chẩn xác định khối u sau gáy của bé gái là một khối thoát vị lớn, phức tạp và cần điều trị bằng phẫu thuật để cứu bé. Tuy nhiên, sau khi nhập viện được một ngày, bệnh nhi đã bị gia đình bỏ rơi.
Trước tình hình nguy cấp, Ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 đã quyết định phẫu thuật và toàn bộ ca phẫu thuật được bệnh viện chi trả.
Ca phẫu thuật được tiến hành vào ngày 17/ 8. BS. Phan Minh Trí, Chuyên khoa ngoại thần kinh, khoa Ngoại tổng hợp – người trực tiếp phẫu thuật cho hay, trong khối u thoát vị chủ yếu là một phần não đã thoái hóa, đường kính khối não chiếm đến 10cm bên trong khối thoát vị. Do đó, các bác sĩ quyết định loại bỏ phần não đã thoái hóa.
Ngoài ra, khối u còn mang nhiều mạch máu phức tạp. Đây chính là khiếm khuyết hình thành trong khoảng thời gian 3 tuần đầu thai kỳ vì việc đóng ống thần kinh không hoàn tất ở một vị trí đã khiến màng não, … bị thoát vị ra ngoài tạo nên một khối dị tật lớn.
Khối thoát vị quá lớn, lại nằm ngay sau gáy nên ca phẫu thuật gặp khó khăn: phải tìm cách đặt bé nằm ở tư thế phù hợp, bảo tồn thật nhiều gân cơ để đóng lại được vết thương sau bóc tách, nguy cơ làm tổn thương xoang tĩnh mạch vốn rất mong manh,…
Các bác sĩ đã mất hơn 4 giờ đồng hồ để hoàn tất ca mổ, chưa kể giai đoạn chuẩn bị, gây mê. Tuy vậy, ca phẫu thuật đã thành công ngoài sự mong đợi.
Sau phẫu thuật, cháu bé phục hồi tốt, hiện đang được các bác sĩ điều trị nhiễm trùng và tiếp tục theo dõi.
Hiện tại, bé gái phục hồi tốt, đang được các bác sĩ điều trị nhiễm trùng và tiếp tục theo dõi
Các bác sĩ cho biết, dị tật trên có thể chẩn đoán trước sinh để dự liệu phương án xử lý.
Nguyên nhân của dị tật khá đa dạng, trong đó thiếu acid folic trong thai kỳ là nguyên nhân phổ biến nhất. Một số yếu tố nguy cơ khác cũng được cho là có liên quan như mẹ có rối loạn chuyển hóa, sử dụng thuốc động kinh, nhiễm virus khi mang thai, sử dụng chất kích thích như ma túy, …
Vì vậy, khi thấy một bất thường da dọc đường giữa (sống mũi đến cuối thắt lưng), phụ huynh nên đưa trẻ đi khám vì có thể có một bất thường nào đó trong hệ thống thần kinh.
Thời gian qua, bệnh viện đã nhiều lần liên hệ với người nhà bé gái nhưng không được.
"Hiện tại, cháu bé vẫn cần chăm sóc tại bệnh viện. Sau này, khi cháu đủ tiêu chuẩn xuất viện mà vẫn không liên hệ được người nhà thì bệnh viện sẽ liên hệ với cơ quan chức năng để làm thủ tục chuyển giao bé cho các cơ sở tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi của Sở Lao động – Thương binh& Xã hội TP.HCM”, BS. Mậu cho hay.
Theo địa chỉ trong hồ sơ bệnh án, gia đình khai bé ở Hàm Ninh, Phú Quốc, Kiên Giang, là con thứ 3.
No comments:
Post a Comment