Sau 2 tháng điều trị tại Khoa Bỏng trẻ em Viện Bỏng Quốc gia, cháu Nguyễn Quỳnh A. (23 tháng tuổi) đã đỡ hơn, có thể vui đùa cùng các bạn trong phòng.
Bà Bùi Thị Vân (bà cháu A.) cho biết, cách đây hơn 2 tháng, cháu được chẩn đoán bỏng 18% cơ thể và phải điều trị tại khoa Hồi sức gần 1 tháng trời. Sau đó cháu đã được phẫu thuật ghép da và chuyển về khoa Bỏng trẻ em.
Đa số trẻ bị bỏng do sự bất cẩn của người lớn.
Chia sẻ về nguyên nhân xảy ra sự việc, bà Vân cho biết: “Lỗi hoàn toàn là do tôi, đáng ra hôm đó tôi pha mỳ xong để cao lên thì không sao. Tôi chủ quan để ngay ở mép bàn ăn cơm, cháu thì háo hức với tay lên để lấy mỳ ăn và bị đổ xuống người. Khi đưa đến viện, các bác sĩ nói cháu bị bỏng 18% cơ thể”.
Chia sẻ với chúng tôi, chị B. (mẹ cháu A.) kể lại: “Tôi đang đi làm thì bà gọi điện thông báo cháu bị bỏng nặng. Tôi vội vàng chạy từ cơ quan thẳng vào viện, khi đi đường tôi cứ nghĩ cháu nghịch lửa hoặc cho tay vào ổ điện. Không ngờ khi vào viện, cháu vẫn còn dính mỳ tôm trên người, khi đó tôi mới biết cháu bị bỏng là do bát mỳ tôm mới pha”.
Em bé bị bỏng do mẹ cắm ấm siêu tốc ở ngay tầm với của con.
Tại khoa Điều trị bỏng trẻ em (Viện Bỏng Quốc gia), ngoài trường hợp của cháu A., còn rất nhiều trường hợp trẻ bị bỏng xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày.
Điển hình là trường hợp con con chị Hoàng Thị Lan., điều trị tại phòng 414 bị bỏng do bị nước sôi dội từ cổ xuống đến tận chân. Được biết con chị Lan vừa trải qua quá trình điều trị tích cực hơn 1 tháng nay và đã qua cơn nguy kịch.
Chị Lan cho biết, con chị bị bỏng nguyên nhân là do bị đổ nước sôi từ bình siêu tốc từ trên cổ xuống đến tận chân.
“Hôm đó là cuối tuần, tôi ở nhà trông con và có cắm nước bằng bình siêu tốc. Khi nước báo hiệu sôi tôi đi xuống bếp lấy phích để rót nước, ở trên nhà do hiếu kỳ nên con tôi mon men lại bàn và với ấm nước. Không may ấm nước đang sôi đổ ụp vào người. Khi tôi chạy lên đã thấy con nằm quằn quại kêu đau dưới vũng nước. Sau đó tôi vội vàng đưa con đi cấp cứu”, chị Lan kể lại.
BS Thống cho biết, thời gian nghỉ hè số trẻ nhập viện do bỏng tăng lên.
Ngoài những trường hợp bị bỏng trong sinh hoạt hàng ngày ở gia đình, tại khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) thời gian vừa qua cũng gặp không ít những trường hợp trẻ bị bỏng do vui chơi trong những ngày hè.
“Năm nào cũng vậy, cùng với thời điểm học sinh nghỉ hè là bắt đầu gia tăng số trẻ bị bỏng cả trong sinh hoạt và vui chơi, trong đó có không ít trẻ bị bỏng nặng nguy hiểm đến tính mạng.
Điển hình như khoa đã tiếp nhận có trường hợp trẻ ở ngoại thành Hà Nội chơi thả diều bị bỏng do cao thế phóng rất nguy kịch. Rất may, trẻ nhập viện và đã các bác sĩ cấp cứu kịp thời.
Ngoài những trường hợp trên, thì bỏng trong sinh hoạt trong đó nhiều nhất là trẻ bị bỏng nước sôi và bỏng cồn”, BS Thống cho biết.
Khi phát hiện trẻ bị bỏng thì việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng, bởi nếu không đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên có thể khiến vết thương nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút ngón tay… thậm chí để lại những thương tật vĩnh viễn cho trẻ. Theo đó, khi phát hiện trẻ bị bỏng cần nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch. Động thái này nhằm mục đích: giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng. Tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da. Không bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương, Không được tiếp xúc trực tiếp với vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn làm cho vết bỏng nặng hơn. Khi trẻ bị bỏng ở vùng có quần áo, sơ cứu không nên cởi bỏ quần áo khiến bị lột da vùng bỏng, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra tách khỏi vết bỏng tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm, nhẹ nhàng tháo bỏ các tư trang cá nhân, vòng lắc hoặc đồng hồ, giày dép. Sau đó dùng bằng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. BS Nguyễn Thống (Trưởng khoa Bỏng - BV Đa khoa Xanh Pôn) |
No comments:
Post a Comment